‘Cán bộ chống tham nhũng mà tư túi thì tôi xử trước’
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn gửi cử tri yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm.
 
Sáng nay (12/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
 
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Phan Quan Bách (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho hay, nhân dân rất phấn khởi, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, liên tục và ngày càng quyết liệt hơn”. Từ đó, đã phát hiện, xử lý cán bộ có chức, có quyền, thoái hóa biến chất, trong đó có cả cán bộ cấp cao.
 
Cử tri, nhân dân cũng phấn khởi khi tại hội nghị Trung ương đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
 
“Đây là chủ trương rất kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện các trường hợp thoái hóa biến chất… dẫn đến tham nhũng, lãng phí”, ông Bách nói.
 
Ông Bách đề nghị tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng và kinh tế lớn, trong đó có những vụ án liên quan đến các tập đoàn lớn.
 
Ngoài ra, theo ông Bách, việc thi hành Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có nhiều “kẽ hở” tạo điều kiện cho tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây lũng đoạn thị trường về đất đai…  Ông đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm sửa đổi Luật Đất đai.
 
Theo cử tri Phùng Huy Đan (phường Trung Phụng, quận Đống Đa), dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn, phức tạp, nhưng công tác phòng chống tham nhũng “không dừng mà vẫn được tiến hành đồng thời”.
 
Thông qua các ĐBQH, ông Đan đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật đất đai nhằm sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.
 
Không ai có thể đứng ngoài pháp luật
 
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, về đề nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, ý kiến này rất đúng và trúng. Hội nghị Trung ương 5 mới đây vấn đề số một là bàn về đất đai.
 
Theo Tổng Bí thư, đất đai là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản, như câu nói của Mác rất sâu sắc là “Lao động là cha, đất là mẹ của của vật chất”. Trong thực tế nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người khốn khổ, nghèo đi về đất, mất cả tình cảm cha mẹ, anh em vì đất…
 
Trung ương quyết định trên cơ sở Nghị quyết mới lần này, Quốc hội phải nghiên cứu xem xét sửa Luật Đất đai để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của đất nước.
 
Tổng Bí thư cho rằng, liên hệ với Thủ đô thì đất càng quý, người đông, đất hẹp, vì vậy lãnh đạo Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đất đai, "tấc đất, tấc vàng".
 
Song, theo Tổng Bí thư, sửa thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai lại khó, không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực, hàng ngày. Vừa lý luận thực tiễn, vừa phải đảm bảo đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần.
 
Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư chia sẻ, việc này đã nói từ lâu và làm từ lâu nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn.
 
Theo ông, 10 năm qua đã “mất” một số ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, bao nhiêu người phải ngồi tù, cả công an, quân đội… không lĩnh vực nào không dính cả.
 
Hội nghị Trung ương vừa qua thống nhất rất cao và 100%  địa phương đồng ý lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
 
“Trung ương quyết rồi, sắp tới là triển khai thực hiện, bố trí cán bộ ra sao để Ban Chỉ đạo này phát huy được như Ban Chỉ đạo Trung ương 10 năm qua. Đây là cuộc chiến đấu gian nan lắm.
 
Không phải chỉ nước ta, mà nước nào trên thế giới cũng có chuyện này. Không phải thời nay mà thời xưa cũng đã có cả “một người làm quan cả họ được nhờ’, làm quan phải hưởng lộc. Tham nhũng là tham ô, là nhũng nhiễu. Nhưng không chỉ chống tham nhũng, mà chống cả tiêu cực”, Tổng Bí thư nêu.
 
Tổng Bí thư bày tỏ, tiêu cực thì nhiều, nhưng trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, làm hư hỏng con người và đây là cái rất mới.
 
“Suy thoái về lý tưởng, đạo đức, làm cái gì là cũng nghĩ ngay đến cá nhân chủ nghĩa, rồi đồng lõa với nhau, ăn cắp của nhà nước, cái đó là tiêu cực. Suy thoái về phẩm chất, móc ngoặc với nhau với những phần tử xấu, không đủ bản lĩnh để bị lôi kéo”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 
Ông cho biết, việc bao nhiêu người đi tù và bị xử lý trước đây chỉ có ở trên Trung ương, hiện nay mở rộng ra, lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, việc này để cảnh tỉnh lãnh đạo các tỉnh phải chú ý, không ai có thể đứng ngoài pháp luật được.
 
Nêu những con số điều tra, truy tố, xử lý kỷ luật từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng Bí thư khẳng định chúng ta đã chỉ đạo một cách ráo riết, quyết liệt, xử lý, điều tra những vụ việc nổi cộm. Tinh thần rõ đến đâu làm đến đấy, hiện nay tiếp tục làm.
 
“Tất cả đều tâm phục khẩu phục, lúc đầu cũng cãi, cũng bảo vệ ý kiến thế nọ, thế kia, nhưng đưa ra Bộ Chính trị chứng cứ thế này, phân tích có lý, có tình thế này, làm sao chối được. Cuối cùng thấy nhận hết.
 
Hai khoá vừa rồi, mấy Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương cũng bị xử lý. Ông Đinh La Thăng là ai, ông Hoàng Trung Hải là ai?…”, Tổng Bí thư nói.
 
Tổng Bí thư nhắn gửi cử tri yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm. Ông cũng đề nghị lãnh đạo Hà Nội phải hết sức chú ý, Thủ đô văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, không thể để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
 
“Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động. Bác Hồ đã nói cưa đi một vài cành cây sâu để cứu cả cái cây. Xử lý một vài người để cứu muôn người. Vấn đề này là vấn đề rất chiến lược nhưng làm phải có lý, có tình”, Tổng Bí thư chia sẻ.
 
Tổng Bí thư cũng thông tin, Trung ương đã biểu quyết thông qua thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, sắp tới sẽ có hướng dẫn và quy chế làm việc, nhất là việc chọn nhân sự.
 
“Cán bộ vào đây chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Cán bộ nào vướng vào đây tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế”, Tổng Bí thư lưu ý.
 
Hương Quỳnh