PGS-TS Phạm Bảo Sơn điều hành phiên tọa đàm 'khơi nguồn sáng tạo trẻ'
Tại hội nghị các nhà khoa học trẻ ngày 17/5, PGS.TS Phạm Bảo Sơn cùng 5 diễn giả sẽ thảo luận để tìm giải pháp khơi nguồn sáng tạo cho các nhà khoa học trong nước.
 
Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit) do VnExpress tổ chức sáng 17/5 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ bàn về việc thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ. Hội nghị sẽ có phiên chính và phiên tọa đàm.
 
Với vai trò điều hành phiên tọa đàm, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) sẽ cùng các diễn giả làm rõ những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ và họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt. Cách thức kết nối các mắt xích công nghệ Việt Nam với toàn cầu để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong những người trẻ cũng sẽ được nêu ra.
 
PGS.TS Phạm Bảo Sơn (45 tuổi) tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin năm 2001. Năm 2006, ông bảo vệ thành công tiến sĩ Khoa học máy tính và kỹ thuật tại Đại học Tổng hợp New South Wales (Australia), đến năm 2012 ông được phong hàm Phó Giáo sư.
 
Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Đại học Công nghệ, ĐHQG HN, như Phó Trưởng phòng thí nghiệm mục tiêu tương tác người-máy (2008-2009); Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQG HN, kiêm Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (2012-2016) và Phó Hiệu trưởng (2016- 2019). Tháng 6/2019, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc ĐHQG HN.
 
PGS.TS Phạm Bảo Sơn tập trung vào nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công nghệ robot và "knowledge acquisition". Những công trình nghiên cứu của ông đã đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học và công nghệ ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. PGS Sơn cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công hệ thống xử lý ngôn ngữ tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam. Ông được nhận giải thưởng "IBM Faculty Award" năm 2010, giải Quả Cầu vàng Công nghệ thông tin năm 2007 và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm.
 
Thảo luận với PGS Sơn trong phiên tọa đàm là TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban R&D, Công ty Fecon, Giảng viên kiêm điều phối chương trình Thạc sĩ kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật; PGS Phạm Hùng Quý - Giảng viên Trường Đại học FPT; TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI), giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc chiến lược sản phẩm, Ngành hàng Trải nghiệm Di động của Samsung Vina, ông Đặng Kim Long, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam.
 
Ở phiên chính, các diễn giả sẽ chia sẻ câu chuyện thực tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và con đường thương mại hóa sản phẩm đưa ra thị trường.
 
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Sao Thái Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ có bài chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp trong việc khuyến khích thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo.
 
Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần tập đoàn Thaibinh Seed sẽ chia sẻ câu chuyện thành công trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ.
 
Chương trình còn có sự tham gia của ông Đặng Kim Long, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam với bài trình bày về mô hình thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ mới trong giới trẻ tại Huawei.
 
Hội nghị các nhà khoa học trẻ (Young Scientist Summit) là sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2022). Chương trình sẽ diễn ra cùng Lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 - sân chơi dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên của Việt Nam. Chuỗi chương trình của VnExpress kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo cho các nhà nghiên cứu trẻ và góp phần thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế.
 
Như Quỳnh