5 lần thất bại và cánh cửa tới học bổng chính phủ Mỹ
Trước khi trúng tuyển Fulbright - học bổng toàn phần của chính phủ Mỹ vào năm 2021, Bùi Minh Đức liên tiếp bị các học bổng khác từ chối.
Những ngày cuối tháng 5, Bùi Minh Đức, 29 tuổi, bận rộn sắp xếp công việc để tới Đại học Clark theo học bổng toàn phần của chính phủ Mỹ.
 
Trước khi giành tấm vé học ngành Truyền thông, chàng trai Hà Nội đã liên tiếp trượt các học bổng chính phủ trong suốt ba năm. "Nếu ai hỏi tôi có gì hơn các bạn, tôi có thể trả lời ngay đó là kinh nghiệm bị từ chối và cách vượt qua cảm giác nghi ngờ bản thân. Đây là một trong những yếu tố quyết định giúp tôi chinh phục Fulbright", Đức nói.
 
Bùi Minh Đức - chủ nhân học bổng Fulbright 2021 ngành Truyền thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Bùi Minh Đức - chủ nhân học bổng Fulbright 2021 ngành Truyền thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và du lịch của Đại học Hà Nội năm 2015, nhưng Minh Đức chọn gắn bó với truyền thông. Lần lượt trải qua các vị trí chuyên viên truyền thông, biên tập viên, chịu trách nhiệm xây dựng ý tưởng và viết bài cho mục LGBT của trang tin điện tử, chàng trai sinh năm 1993 nhận ra mình còn nhiều thiếu sót. Để đi xa hơn nữa với công việc mình thích, anh hiểu rằng không còn cách nào, ngoài đi học.
 
Đức bắt đầu apply năm 2018 với học bổng chính phủ Ireland. Bị từ chối, anh hai lần tìm đến Chevening - học bổng của chính phủ Anh, sau đó là Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu nhưng đều không thành công. Trải nghiệm thất bại tệ nhất của Đức là khi trượt học bổng của Ireland lần hai. Lúc đó, anh đang làm truyền thông tại một tổ chức phi chính phủ.
 
"Tôi đã tự vấn rất nhiều. Với những giá trị mình có thể mang đến cho cộng đồng cùng công việc trong mảng truyền thông, tại sao hồ sơ vẫn không được chấp nhận?", Đức chia sẻ và cho rằng, điều đáng sợ nhất mỗi khi thất bại là nỗi hoài nghi về bản thân. Anh cảm giác mình quay lại điểm xuất phát với những câu hỏi: "Liệu mình có phù hợp với việc du học?", "Mình có nên apply học bổng tiếp hay không?".
 
Anh Võ Văn Nhật Hân, "Fulbrighter" (những người từng giành học bổng Fulbright) ngành Phát triển Quốc tế năm 2018, là cố vấn của Minh Đức trong quá trình apply. Anh Hân đánh giá Đức có khả năng tổng hợp thông tin và phản ánh trải nghiệm một cách lôi cuốn, mạch lạc. Về lý do Đức không giành học bổng, anh Hân cho rằng lúc đó điểm nhấn trong công việc của Đức chưa đặc sắc, nghiệp vụ báo chí truyền thông về LGBT chưa đủ dày dặn.
 
Để vượt qua giai đoạn suy sụp tinh thần, Đức tập nhìn thất bại theo lăng kính khác. "Cuộc đời mỗi người không nhiều cơ hội được trải lòng và thể hiện bản thân trước một đồng tuyển sinh uy tín. Theo cách nghĩ này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn", anh nói, đồng thời hiểu rằng mỗi học bổng có tiêu chí riêng và việc bị từ chối chỉ là ứng viên không phù hợp.
 
Minh Đức (bên trái) cùng các đại diện Việt Nam tham gia diễn đàn Thanh niên tiểu vùng sông Mê Kông tại Thái Lan năm 2014. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Minh Đức (bên trái) cùng các đại diện Việt Nam tham gia diễn đàn Thanh niên tiểu vùng sông Mê Kông tại Thái Lan năm 2014. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Đức cho mình thêm một cơ hội trước khi bước sang tuổi 30, tự nhủ "nếu trượt sẽ dừng việc apply". Lần này, anh "chơi tất tay" khi chọn Fulbright - học bổng mà anh từng nghĩ quá xa tầm với của mình. Sau khi đưa ra quyết định, việc đầu tiên Đức làm là xóa toàn bộ bài luận đã viết. Anh không muốn chỉnh sửa trên những gì đã bị từ chối mà sẽ viết mới hoàn toàn.
 
Bài luận mới của Minh Đức truyền tải thông điệp: viết lách có thể tạo ra những thứ tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Đi từ câu chuyện bản thân, anh nhận ra những con chữ không chỉ giúp mình giải tỏa cảm xúc, mà còn là công cụ để lên tiếng, bảo vệ quan điểm cá nhân, đồng thời tác động tới cộng đồng. Rộng hơn, anh đặt vấn đề về việc truyền thông đã tác động, thay đổi xã hội như thế nào, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế.
 
"Khi nghiên cứu về đề tài diễn ngôn, tôi thấy nhiều ấn phẩm truyền thông vẫn khắc họa hình ảnh người dân tộc thiểu số đói nghèo, lạc hậu. Nhưng từ trải nghiệm thực tế, tôi thấy điều này không phù hợp và truyền thông cần thay đổi", anh chia sẻ.
 
Đức dành hai tháng cho bài luận và hoàn thành hồ sơ trước hạn chỉ vài ngày. Không nghỉ ngơi lâu, anh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, diễn ra sau đó một tháng. Đức cho rằng giai đoạn này căng thẳng hơn lúc làm hồ sơ rất nhiều. "Mình đã đi được một nửa quãng đường rồi. Thất bại ở thời điểm này đáng sợ hơn khi chưa có gì trong tay", anh giải thích. Ngoài chuẩn bị về nội dung câu trả lời, Đức liên hệ với các "Fulbrighter" để phỏng vấn thử.
 
Dù đã chuẩn bị rất kỹ, khi gặp ban giám khảo, Đức vẫn run. Trước câu hỏi về lý do muốn học truyền thông, anh kể về trải nghiệm tập huấn cho hội người khuyết tật ở Hải Dương, hướng dẫn họ đăng thông tin lên Zalo để gọi vốn. Sau dịp đó, Đức nhận ra truyền thông không chỉ dành cho số đông hay những người sống ở đô thị, mà là công cụ có thể thay đổi và tác động tích cực đến xã hội.
 
Sau khoảng 30 phút, giám khảo nói "đã hết câu hỏi", Đức hoảng hốt. Anh từng nghe nói một buổi phỏng vấn an toàn sẽ diễn ra trong khoảng 40-45 phút. Dưới mức này, khả năng cao là ứng viên không được chấp nhận. Do đó, khi buổi phỏng vấn kết thúc và trong hai tuần đợi kết quả, Đức tự lên sẵn kế hoạch sẽ làm sau khi trượt học bổng lần thứ sáu.
 
Khoảnh khắc nhận thông báo mình là một trong 20 người Việt được trao học bổng Fulbright năm 2021, Đức nghĩ ngay đến gia đình - nơi cho anh sức mạnh, động lực trong suốt thời gian làm hồ sơ. "Có lẽ từ 'vui sướng' là không đủ để diễn tả cảm xúc của tôi khi đó", anh nói.
 
Đồng hành với Đức trong nhiều năm, anh Hân đánh giá đàn em có lợi thế khi sở hữu kinh nghiệm giao lưu văn hóa dày dặn - một trong những yếu tố được cho là tiêu chí của Fulbright. Thời điểm này, Đức đã có cơ hội tiếp xúc và thực hành nhiều hơn trong nghiệp vụ, từ đó trau dồi kiến thức về giới, nhân quyền và rèn kỹ năng truyền thông chính sách.
 
"Tôi nghĩ sự trưởng thành trong nhận thức và quan điểm xã hội sắc sảo đã giúp Đức thuyết phục được hội đồng tuyển sinh Fulbright. Học bổng này hứa hẹn mở thêm nhiều cánh cửa để Đức phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng LGBT", anh Hân chia sẻ.
 
Gần một tháng nữa, Đức sẽ đến Mỹ. Chưa từng xa nhà quá ba tuần nên trước khi bước vào hành trình hai năm tại Mỹ, chàng trai Hà Nội dành phần lớn thời gian để chuẩn bị về mặt tinh thần. Anh tự viết sẵn cho mình 10 bức thư với các chủ đề khác nhau: hãy mở khi nhớ nhà, khi lo lắng hay bị ốm...
 
Mắc chứng rối loạn lo âu, Đức được nhận xét "tự đẩy mình vào thế khó" khi apply quá nhiều và trong thời gian dài. Tuy nhiên, anh lại cho rằng nếu không đối diện với nỗi sợ thì sẽ không bao giờ vượt qua được. "Tôi vốn nghĩ mình nhạy cảm, dễ tổn thương nhưng khi trải qua thật nhiều thất bại, tôi lỳ và can trường hơn mình tưởng", Đức nói.