Cà phê vợt Sài Gòn, vị cà phê xưa thu hút người trẻ nay
Đối với nhiều người lớn tuổi ở Sài Gòn, cà phê vợt là món nước có thể mang lại cho họ nhiều cảm xúc, hoài niệm khi thưởng thức. Ngày nay, cách pha chế cà phê này cũng dần thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ.
 
Không biển hiệu lớn, hay bài trí bắt mắt, quán cà phê vợt nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận). Chủ quán là ông Đặng Ngọc Công và bà Phạm Ngọc Tuyết, nhưng khách hàng quen thuộc thì thường gọi là ông bà Ba. Năm 1954 người đầu tiên mở quán là ba của ông bà Ba, đến nay đã tồn tại hơn 60 năm,với biết bao thăng trầm nhưng vẫn mang đến cho người uống một ly cà phê thơm ngon mà các kiểu pha khác khó có thể có được.
 
 
Thay vì pha bằng siêu, cà phê nay được pha bằng ca inox để đáp ứng lượng khách đông. 
 
Theo đó, cà phê vợt có vị rất riêng bởi vì trước khi pha cà phê, người ta sẽ trụng sạch chiếc vợt qua nước sôi rồi đổ cà phê xay nhuyễn vào, tiếp đến nhúng vào siêu nước đang sôi. Để cà phê đều vị, người ta lấy chiếc muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại. Siêu nước phải là siêu đất, loại chuyên được sử dụng để sắc thuốc bắc để giữ trọn vẹn hương thơm. Cà phê được ủ trong đó khoảng từ 5 đến 10 phút để hương vị cà phê thấm dần và hòa quyện với nhau. Cái nước đầu tiên sau khi pha thường được gọi là nước cốt, cũng là lượt cà phê chất lượng nhất của một lần pha.
 
Anh Phạm Văn Quý, người bán cà phê (thế hệ thứ ba) chia sẻ: “Để có được hương vị đặc trưng của quán, gia đình đã pha trộn nhiều loại cà phê (arabica, robusta ,liberica, culi…) với nhau theo tỷ lệ riêng. Và nay do lượng khách rất đông nên gia đình đã sử dụng ấm inox thay vì siêu đất để pha như ngày xưa”.
 
Ly cà phê bây giờ thì nhỏ hơn ly ngày xưa, người bán thường sử dụng ly sứ để phục vụ cho khách uống. Ngày xưa thì khách lớn tuổi chỉ uống cà phê nóng, nhưng bây giờ giới trẻ lại chuộng uống đá nhiều. Quán bán xuyên suốt cả năm (cả ngày lẫn đêm). Về mức giá thì cà phê đá 12.000 đồng và cà phê sữa 16.000 đồng, có người ngồi uống tại quán, hết chỗ thì ngồi sát vỉa hè, người vội công việc thì mua mang về, anh Quý chia sẻ thêm.
 
Tìm về vị của những ký ức xưa
 
Cà phê vợt được nghĩ ra tại Sài Gòn vào những năm 50 của thế kỷ trước. Có thể nói, đây là một trong những cách pha cà phê được xem như nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn, gọi là cà phê vợt vì cà phê được pha chế bằng một chiếc vợt làm bằng vải mịn và dài túm ở phần đuôi vợt.
 
Trước những sự cạnh tranh của cà phê pha máy, pha phin hay cà phê hòa tan. Cà phê vợt ở Phan Đình Phùng vẫn giữ được lượng khách riêng của mình. Đó có thể là một cụ già lớn tuổi đã quen vị cũ hay một người trẻ muốn thử vị cà phê xưa.
 
Chú Nguyễn Văn Phụng, ngụ quận 3, một khách quen của quán chia sẻ: “Gu của mình uống ở đây thì mình cảm thấy hợp, do xưa giờ vị mình uống nó nhạt, biết quán đến nay cũng đã được 5 năm, thường thì đến uống với bạn bè để ngồi nói chuyện”.
 
Tò mò về món cà phê này, chị Hồ Thục Vy, sinh viên một trường đại học ở TPHCM đến để thưởng thức và chia sẻ rằng, do cách pha cà phê bằng vợt ở đây khá độc đáo nên mình cảm thấy khá thú vị, không gian của quán thì rất thân thuộc, tạo cho mình cảm giác như đang ở nhà”.
 
Giờ đây kiểu cách phục vụ cà phê vợt đã dần bị quên lãng chỉ còn lại ở một số quán, khách tìm đến cà phê vợt như để trở về với những năm tháng xưa, với vị của cà phê vợt bình dân, gần gũi. Nay họ vừa uống cà phê, vừa cảm nhận một Sài Gòn rất khác, một Sài Gòn của bộn bề vội vã, lo toan.
 
Minh Hoàng