Khơi thông vốn cho sản xuất nông nghiệp
Ngay sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra tại TP. Sơn La, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng có những động thái cụ thể trong việc xử lý những kiến nghị.
 
Mong sớm được áp dụng vay không thế chấp
 
Ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long, người được vinh danh là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, đại diện cho hơn 300 hộ nông dân phát biểu và kiến nghị về chính sách khoanh nợ, giãn nợ và tăng hạn mức vay để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh cho nông dân, đồng thời đề nghị được vay vốn không cần tài sản bảo đảm để phát triển sản xuất nông nghiệp.
 
Ý kiến của ông Thắng là một trong 9 ý kiến tại Hội nghị được tổ chức triển khai ngay. Hội nghị diễn ra ngày 29/5, thì đến ngày 31/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Công văn số 3646/NHNN-TD gửi NHNN Chi nhánh Quảng Ninh về việc xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ông Lê Quang Thắng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân.
 
Ngay sau đó, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã nhanh chóng tổ chức buổi làm việc với đại diện một số ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, Agribank Chi nhánh Quảng Ninh và Chi nhánh Hạ Long 1, TPBank Chi nhánh Hạ Long, HDBank Chi nhánh Hạ Long...
 
Ông Lê Quang Thắng bày tỏ: “Chúng tôi chưa 1 lần quá hạn thanh toán với ngân hàng, vẫn luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm với người lao động. Với uy tín cá nhân và của doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng sẽ được vay vốn theo dạng tín chấp để có đủ vốn thực hiện các dự án mà Công ty đang có kế hoạch thực hiện”.
Tại buổi làm việc này, đại diện các ngân hàng đã lắng nghe nhu cầu vay vốn, cũng như những khó khăn từ phía Công ty Việt Long để phục vụ cho hoạt động đầu tư vào nông nghiệp.
 
Theo đó, vấn đề lớn nhất mà Việt Long đang gặp phải là sau những dự án mà Công ty đã và đang thực hiện, thì doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay vốn đầu tư tiếp cho các dự án nông nghiệp mới, mà trước mắt là Dự án Sản xuất rau an toàn và nông sản giá trị kinh tế cao tại TP. Uông Bí (Quảng Ninh).
 
Theo ông Thắng, các dự án nông nghiệp luôn có tính rủi ro cao, nên khi ngân hàng thẩm định dự án để đánh giá khả năng trả nợ hay hiệu quả dự án cũng sẽ khó hơn nhiều so với các dự án đầu tư vào bất động sản hay sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khác.
 
Ông Hoàng Văn Khiên, Giám đốc Chi nhánh Hạ Long 1 của Agribank cho biết, nếu căn cứ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 55 thì Điều 14 và 15 là cơ sở để cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vay vốn mà không cần thế chấp tài sản, với số vốn lên đến 70-80% giá trị của dự án.
 
Trước đó, theo Quyết định số 2064/QĐ-NHNN ngày 14/10/2014, Thống đốc NHNN đã quyết định phê duyệt danh sách ngân hàng thương mại và khách hàng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, thì Dự án phát triển vùng rau an toàn và công nghệ cao theo các mô hình liên kết của Công ty Việt Long tại thị xã Quảng Yên, huyện Hải Hà, TP. Hạ Long được vay vốn 66 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp.
 
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, do Dự án đã được Công ty triển khai từ năm 2012 và dùng tài sản thế chấp để vay vốn tại Agribank Chi nhánh Hạ Long 1 rồi, nên ngân hàng không thể cho vay thêm theo Quyết định số 2064/QĐ-NHNN. “Nhưng khi chúng tôi muốn lấy lại tài sản thế chấp ra để thực hiện vay vốn theo diện không cần tài sản bảo đảm của chương trình cho vay thí điểm này cũng không được. Do vậy, khi Công ty cần nguồn vốn lưu động để thực hiện các dự án khác thì không còn tài sản bảo đảm để thế chấp nữa”, ông Thắng nói.
 
Giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay
 
Đối với dự án nông nghiệp mà Công ty Việt Long đang chuẩn bị thực hiện tại TP. Uông Bí, trước mắt, Công ty cũng đã nhận được sự cam kết đồng hành từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh.
 
Cụ thể, trong dự án này, ngân hàng đồng hành, tài trợ vốn cho nông dân trong vùng dự án sản xuất rau an toàn của Việt Long. Nông dân khi có vốn sẽ nhận cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và thực hiện sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt của Việt Long. Việt Long sẽ thu mua toàn bộ nông sản, thực hiện việc sơ chế để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, từ đó gia tăng giá trị cho nông sản, ổn định đầu ra và tăng thu nhập cho nông dân.
 
Nhưng bản chất của sự đồng hành này dành cho nông dân là chủ yếu, còn phía doanh nghiệp thì nguồn vốn chưa có.
 
Ông Thái Mạnh Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đánh giá, Việt Long được các ngân hàng thương mại đang có giao dịch với Công ty đánh giá tín nhiệm tín dụng tốt. Hơn nữa, Công ty cũng đã có kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nên để sớm có cơ sở cho ngân hàng đánh giá nhu cầu vốn, cũng như hiệu quả của dự án thì Công ty cần phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ của dự án mới.
 
“Về phía các ngân hàng thương mại có chi nhánh trên địa bàn TP. Hạ Long, trước mắt là các đơn vị đang có giao dịch với Việt Long cần tích cực hỗ trợ tư vấn, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Nếu vấn đề hạn mức tín dụng của các chi nhánh vượt quá thì cần sớm có văn bản xin ý kiến với Hội sở”, ông Cường nêu ý kiến tại buổi làm việc.