Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS nhằm hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần; tình trạng đầu cơ, găm giữ BĐS và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
Chủ trương đánh thuế cao đối với những người có nhiều tài sản là nhà đất, BĐS đã được giới chuyên gia bàn luận sôi nổi và nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Vì rằng, thực tế nhiều năm qua cho thấy tình trạng sốt đất do đầu cơ diễn ra rất phức tạp. Việc người dân đổ xô đi buôn đất, đầu cơ đất dẫn đến giá đất tăng cao một cách vô lý, từ đó xuất hiện một bộ phận người giàu lên nhờ đất nhưng phần đông người dân lao động không có nhà để ở. Bên cạnh đó, nhiều người "ôm đất" để chờ tăng giá rồi bán kiếm lời.
Vì vậy, việc áp thuế đất nói riêng, BĐS nói chung là cần thiết, là giải pháp ngăn chặn nạn "ôm đất" rồi để hoang hóa, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, kinh doanh và cũng thiếu nhà ở. Theo giới chuyên gia tài chính, tăng thuế đất lên cao sẽ góp phần "trị" hiện tượng sốt đất và giúp giá nhà, đất bình ổn. Tuy nhiên, việc áp thuế cũng cần quy định rõ ràng, cụ thể với từng đối tượng.
Theo ThS Nguyễn Anh Vũ - Đại học Ngân hàng TP HCM, để chống đầu cơ thì phải phân loại BĐS để đánh thuế cho hợp lý. Ví dụ, loại nhà dưới 2 tỷ đồng sẽ đóng thuế bao nhiêu? nhà mặt tiền hay đất vùng ven, đất mặt tiền đóng thuế ra sao?
Nhiều người cũng cho rằng, không chỉ đánh thuế một lần mà phải đánh thuế lũy tiến. Vì nếu chỉ đánh thuế một lần bằng tiền sử dụng đất đối với tài sản nhà đất, sau đó người mua không sử dụng mà bỏ không, nhất là với những nhà đầu cơ, tích trữ... sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy và tạo áp lực cho xã hội. Điều đó sẽ không công bằng với người dùng tiền để sản xuất, kinh doanh hay đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng bị đánh thuế liên tục.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng) thì khoảng 70% giao dịch đất đai là đầu cơ, nếu đánh thuế mỗi năm thì nhu cầu đầu cơ sẽ giảm, giá BĐS có thể hợp lý hơn và ngân sách cũng sẽ có được khoản thu lớn.
Có thể nêu một số ví dụ. Theo số liệu báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 20/6, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh 2.421 lượt hồ sơ khai thuế. Với sự điều chỉnh này, số tiền thuế thu nhập cá nhân lệ phí trước bạ từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản phải nộp tăng thêm hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân là 16,5 tỷ đồng; lệ phí trước bạ là 4,1 tỷ đồng.
Tại Thừa Thiên - Huế, tính đến ngày 31/5, số hồ sơ chuyển nhượng BĐS là 2.644; số thuế thu nhập cá nhân chênh lệch là 13,248 tỷ đồng.
Còn trên phạm vi cả nước, năm 2021, số thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS là 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.900 tỷ đồng (tăng 30%) so với năm 2020. Sang năm 2022, chỉ trong 5 tháng đầu năm, thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS 16.000 tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021.
Trở lại với việc đầu cơ BĐS nhưng nộp thuế rất ít, có thể thấy đất đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng nhất. Ở đây có nhiều nguyên nhân, ngoài sự tha hóa biến chất của một số cán bộ, lòng tham và lợi ích nhóm, thì có nguyên nhân đến từ lỗ hổng của Luật Đất đai, nhất là vấn đề tài chính đất đai và sự minh bạch thông tin.
Việc cho các nhà đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất hay quy hoạch treo, việc ban hành giá đất không theo quy luật thị trường đã gây nên sự chênh lệch giữa giá đền bù và giá thị trường.
Theo Luật sư Lê Thị Hoa - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật hay phải lĩnh án tù vì đất đai đều do cơ chế, chính sách về đất đai "dẫn" họ vào con đường phạm tội. "Nhưng thử hỏi, những người đó có bao nhiêu đất vàng? Khi nhận chức vụ quản lý liên quan đến đất đai, có ai từ chối vì lý do chưa hiểu biết về lĩnh vực này và nhường chỗ cho cán bộ khác không?".
Như vậy, để thị trường BĐS vận hành lành mạnh thì cùng với việc khẩn trương áp thuế cao, áp thuế lũy tiến với những người đầu cơ "ôm đất", người có nhiều BĐS (nhà, đất) thì cần lấp lỗ hổng của cơ chế, chính sách pháp luật; xây dựng bằng được cơ chế kiểm soát quyền lực để kịp thời chấn chỉnh nạn tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS.