TP Thủ Đức được tăng quyền tự quyết
Từ cuối năm nay đến hết 2024, UBND TP HCM cho phép TP Thủ Đức được quyền quyết định nhiều lĩnh vực mà cấp quận huyện không có.
TP Thủ Đức được tăng quyền tự quyết
 
Theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, Thủ Đức được tăng quyền trên 4 lĩnh vực: xây dựng - môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hoá - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học. Hiệu lực thi hành từ ngày 23/12 đến hết năm 2024. Các văn bản khác của thành phố có nội dung trái với quyết định này bị bãi bỏ.
 
Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân được lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trên cả nước. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, hiện thành phố này chỉ có thẩm quyền tương đương cấp huyện nên gặp khó khăn trong điều hành, quản lý.
 
 
Theo đó, ở lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị, TP Thủ Đức được tiến hành các thủ tục trong toàn bộ công tác thu hồi đất, gồm: xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; thông báo thu hồi đất; thu hồi, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
 
Chính quyền Thủ Đức cũng được phê duyệt tất cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500; quản lý và tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
 
Trong lĩnh vực tư pháp, TP HCM ủy quyền Thủ Đức thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động tổ chức hành nghề luật sư; mua sắm tập trung tài sản công tại địa phương.
 
Với kinh tế - ngân sách - dự án, TP Thủ Đức được trực tiếp quản lý chợ loại 1; lập chợ loại 2, 3; đấu thầu chọn doanh nghiệp khai thác chợ theo chủ trương xã hội hoá. Thành phố cũng được thực hiện một số nhiệm vụ với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích như: quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư; phát triển thị trường; cơ cấu tổ chức công ty, nhân sự, quỹ lương...
 
Ở lĩnh vực văn hoá - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học, TP Thủ Đức có quyền kiểm tra điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí trên địa bàn. Trường hợp không đủ điều kiện, địa phương này có thể yêu cầu cơ quan báo chí ngưng hoạt động văn phòng đại diện và xử lý theo quy định.
 
Chính quyền Thủ Đức cũng được đặt tên công trình công cộng khác ngoài công trình quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng; cho tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn (trừ chương trình thuộc thẩm quyền Trung ương).
 
Thành phố mới cũng được ủy quyền là cơ quan chủ quản trường Cao đẳng Thủ Thiêm TP HCM và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức để giải quyết khó khăn, thanh, kiểm tra, lập hội đồng trường... Đồng thời, địa phương được quyền công nhận các "trường tiên tiến, hội nhập quốc tế" trên địa bàn.
 
TP HCM đang hoàn thiện dự thảo về cơ chế đặc thù (thay thế Nghị quyết 54), trong đó dự kiến dành một chương nhằm đề xuất các chính sách riêng cho TP Thủ Đức. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền để TP Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững.