Ăn nhạt hơn phòng bệnh viêm cầu thận
Để phòng bệnh, ngăn bệnh viêm cầu thận tiến triển, cần chú ý ăn nhạt, giảm lượng protein, kiểm soát huyết áp, tránh nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
 
Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận bao gồm các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
 
BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật, Bác sĩ Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, không có phương pháp nào phòng ngừa hoàn toàn, triệt để bệnh viêm cầu thận. Tuy nhiên, người dân có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh bằng cách thay đổi lối sống và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.
 
Thói quen ăn mặn và uống ít nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận, bao gồm viêm cầu thận cấp. Để phòng ngừa viêm cầu thận cấp, bạn cần hạn chế các thực phẩm quá mặn, nhiều muối; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp. Mỗi người cần uống đủ nước; kiểm soát tốt lượng kali và protein trong chế độ ăn. Ưu tiên các thực phẩm tốt cho thận như: cá vược, súp lơ, nho đỏ, tỏi...
 
Lượng protein được khuyến cáo là 0,6 - 1 g/kg cân nặng mỗi ngày, tùy mức độ đi tiểu và ure của người bệnh. Lượng muối tối đa 2 g/ngày, bột đường 30 Kcal/kg mỗi ngày, chất béo 20 g/ngày. Đồng thời, sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc bổ sung canxi theo hướng dẫn của bác sĩ.
 
Song song với dinh dưỡng, bạn nên tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân, qua đó ngăn chặn nguy cơ mắc viêm cầu thận, bằng cách tập thể dục thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ; kiểm soát huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa; sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng giúp giảm thiểu khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
 
Theo bác sĩ Hữu Nhật, viêm cầu thận được chia thành 2 loại: viêm cầu thận cấp tính và mạn tính. Những triệu chứng chung của viêm cầu thận bao gồm: phù là triệu chứng thường gặp (xuất hiện ở mắt cá chân, toàn thân, mặt sưng lên do sự tích nước); nước tiểu lẫn máu; có bọt trong nước tiểu (do protein lẫn trong nước tiểu), huyết áp cao; chán ăn, buồn nôn và nôn, chậm tiêu; xuất hiện các cơn chuột rút vào ban đêm; đi tiểu nhiều vào ban đêm. Một số người bệnh xuất hiện cơn đau dữ dội ở lưng trên, sau xương sườn do đau thận.
 
Đối với viêm cầu thận cấp tính, những triệu chứng phổ biến bao gồm: phù xuất hiện quanh mắt, rõ hơn khi thức dậy buổi sáng; nước tiểu có màu nâu, sẫm hoặc lẫn máu; giảm lượng nước tiểu; huyết áp cao; khó thở và ho.
 
Ngược lại, viêm cầu thận mạn tính thường không cho triệu chứng rõ ràng. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh viêm cầu thận có nguy cơ chuyển qua viêm thận tăng cao hơn so những người khác.
 
Viêm cầu thận là một bệnh tiết niệu nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lọc nước tiểu và chất thải trong cơ thể. Bệnh còn gây ức chế vai trò điều hòa huyết áp của thận. Người bệnh sẽ chịu những ảnh hưởng liên quan đến quá trình lọc chất thải của thận như tích tụ chất thải hoặc chất độc trong máu; khả năng điều tiết các khoáng chất và dinh dưỡng kém; thiếu hoặc mất hồng cầu; mất protein trong máu. Tất cả những ảnh hưởng này sẽ gây ra những triệu chứng lâm sàng, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng bệnh kéo dài, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ viêm cầu thận mạn tính, suy thận. Đây là những bệnh lý gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
 
Những biến chứng có thể xảy ra khi mắc viêm cầu thận bao gồm:
 
Suy thận cấp: Gây suy giảm chức năng thận đột ngột và tiến triển nhanh chóng.
 
Bệnh thận mạn tính: Khi tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương ở thận kéo dài mà không được điều trị hoặc tái phát nhiều lần sẽ làm suy giảm chức năng của thận. Tình trạng này dẫn đến bệnh thận mạn tính. Người bệnh cần phải chạy thận hoặc ghép thận để bệnh không tiến triển nhanh và ảnh hưởng đến tính mạng.
 
Huyết áp cao: Việc tổn thương cầu thận sẽ làm ức chế vai trò điều hòa huyết áp của thận, từ đó dẫn đến huyết áp cao.
 
Hội chứng thận hư: Là tình trạng dư thừa protein trong nước tiểu (protein niệu > 3,5g/ngày). Việc protein liên tục bị đào thải qua nước tiểu này sẽ dẫn đến giảm protein trong máu< 60g/l, và albumin< 30g/l. Hội chứng thận hư có thể khiến hình thành cục máu đông trong mạch máu thận.
 
Vì vậy, để phòng tránh mắc bệnh viêm cầu thận, bên cạnh việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, người bệnh cần chú ý đến những biểu hiện nước tiểu có màu nâu, lẫn máu, có bọt hay những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Lúc này, cần nhanh chóng đến khám các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu - Thận học để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, tránh biến chứng nguy hại đến sức khỏe.