Từ công ty nghìn tỷ USD, giờ đây nhân viên Meta phải chia nhau chỗ ngồi, trong khi giá cổ phiếu giảm đến 70%.
Meta vừa sa thải hơn 11 nghìn nhân viên, đánh dấu một cột mốc buồn với một công ty có mô hình kinh doanh được đánh giá vững chãi trong suốt nhiều năm. Nhiều nhà đầu tư đổ lỗi cho giấc mộng metaverse của Mark Zuckerberg, nhưng thực tế đó chỉ là một trong nhiều lý do khiến công ty lao dốc. Áp lực của Meta còn đến từ sự lớn mạnh của TikTok, thay đổi về quyền riêng tư của Apple, và sự thiếu hụt người dùng thế hệ GenZ trầm trọng.
"Meta không bước hai chân trên một hành trình. Một chân chạy theo xu hướng vũ trụ ảo, chân còn lại cố theo kịp ứng dụng mới nổi là TikTok. Rõ ràng đế chế đang gặp nhiều vấn đề về vận hành", Giám đốc nghiên cứu của Forrester Mike Proulx nhận định.
Sự trỗi dậy của TikTok
Meta đối mặt với các mối đe dọa cả trong lẫn ngoài khi người dùng nền tảng ngày càng "già hóa" còn đối thủ TikTok không ngừng phình to với hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Chìa khóa thành công của TikTok là thuật toán AI. Khi ứng dụng đến từ Trung Quốc nổi lên, Meta còn đang mải mê đối đầu với Snapchat. Khi TikTok hoàn thiện thuật toán và đánh chiếm tệp khách hàng Gen Z, Meta cố bắt chước bằng tính năng Reels nhưng không đủ hấp dẫn người dùng trẻ.
"Chúng ta hiểu rõ Meta có vấn đề với người dùng Gen Z. Thị phần Reels thấp hơn nhiều so với TikTok" Proulx nói. Theo khảo sát mới của Forrester, chỉ 40% thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17 nói dùng Facebook hàng tuần. Năm 2021, con số này là 48%. 61% thanh thiếu niên sử dụng Instagram hàng tuần trong khi TikTok là 69%. Một khảo sát khác của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 8 cho thấy chỉ 32% người dùng trẻ sử dụng Facebook, còn TikTok thu hút 67%.
TikTok không chỉ có người dùng mà còn thu hút quảng cáo. Theo Julie Biel, nhà phân tích tại Kayne Anderson Rudnick, hai năm trước, không ai ngờ TikTok sẽ lớn mạnh như giờ. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và nhà quảng cáo phải lựa chọn, họ sẽ quyết định cắt bớt chi tiêu với Meta.
Đòn tấn công của Apple
Ngoài yếu tố suy thoái kinh tế, một nguyên nhân khiến Meta bị cắt giảm quảng cáo trực tuyến là cách Apple thiết lập quyền riêng tư cho người dùng. Tính năng minh bạch trong theo dõi ứng dụng ATT, được hãng tung ra đầu năm 2021, cho phép người dùng tùy chọn ứng dụng nào được quyền theo dõi hành vi và liên kết với bên thứ ba.
Ngay khi Apple ra chính sách mới, Mark Zuckerberg đã nhận thấy mối nguy và cảnh báo nhà sản xuất iPhone sẽ giết chết ngành quảng cáo kỹ thuật số. Điều này đã được chứng minh khi doanh thu quảng cáo của Meta sụt giảm liên tiếp ở các quý sau đó.
Canh bạc metaverse
Dù doanh thu đi xuống, Zuckerberg tiếp tục khiến Meta phải gánh thêm áp lực khi chi hàng tỷ USD cho giấc một metaverse. Năm 2021, công ty đầu tư 10 tỷ USD cho Reality Labs - bộ phận xây dựng phần cứng và phần mềm metaverse. Năm nay, công ty tiếp tục chi bỏ ra 9 tỷ USD cho dự án. Trong báo cáo tài chính quý III/2022, Giám đốc tài chính Dave Wehner xác nhận chi tiêu vào vũ trụ ảo sẽ tăng hơn nữa vào năm 2023.
Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ hàng tỷ USD có thể đang được đổ vào các dự án mà người dùng có thể không bao giờ sử dụng. WSJ trích tài liệu nội bộ cho thấy ban đầu Meta đặt mục tiêu 500.000 người dùng Horizon Worlds vào cuối năm nay, nhưng thực tế chỉ đang có 200.000 người tham gia thế giới mà ông chủ Facebook xây dựng lên.
Mảng phần cứng cũng không khá hơn. "Họ đã cố gắng thuyết phục chúng tôi về khả năng kinh doanh thiết bị VR. Nhưng sự thật là không ai đưa ra một bài toán khả quan về mô hình kinh tế liên quan", Julie Biel nói. "Không ai thực sự muốn ngồi trong không gian VR để họp. Mọi thứ đã đủ tệ rồi".
Trong khi Meta tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên, Proulx lại cho rằng vấn đề nên được nhìn nhận từ kế hoạch kinh doanh. Công ty phải lựa chọn đặt cược vào metaverse hay đi theo hướng ứng dụng truyền thông xã hội - điều đã làm lên danh tiếng của mình.
Còn với chiến lược như hiện tại, các chuyên gia dự báo 2023 sẽ tiếp tục là một năm ảm đạm của Meta.
Khương Nha (theo Yahoo News)