Vua Hàm Nghi bị giặc phát giác thân phận vì thầy cũ đến thăm
Trước quân thù, ông không nhận mình là vua Hàm Nghi, nhưng trước người thầy dạy của mình thì nhà vua lại vái chào. Việc làm ấy của vua Hàm Nghi đã để lại trong lòng bọn quan quân của Pháp ngày ấy về bài học làm người.
Vua Hàm Nghi khi lên ngôi mới chỉ là một thiếu niên 14 tuổi, nhưng sau 3 năm kháng chiến chống Pháp, ông đã lớn khôn và trở thành một thanh niên. Tuy mới 17 tuổi nhưng đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và điều quan trọng là ông đã nhận ra cái nhục của một người dân mất nước. Tiếc thay sự nghiệp Cần Vương của ông và những người cùng chí hướng đang thuận buồm xuôi gió thì lại phải sớm chấm dứt vì kẻ phản bội Tổ quốc, nhân dân.
 
 
Sau khi bị bắt, vua Hàm Nghi được bịt mắt dẫn xuống một chiếc thuyền và đưa về kinh thành Huế. Khi ông bước từ thuyền lên, tên thiếu tá Pháp cho cử quân nhạc và chúc mừng ra ý muốn thể hiện việc đón mừng nhà vua sau một thời gian đi xa trở về, nhưng ngay lúc đó vua Hàm Nghi nói:
 
- Tôi không dám nhận lời chúc, tôi chỉ là bầy tôi của vua Hàm Nghi hiện còn đang ở trong rừng mà thôi.
 
Ngay lúc đó, viên thiếu tá Pháp tỏ rõ sự phân vân nghi ngờ. Bỗng nhiên lúc ấy có các quan lại địa phương đến thăm, khi nghe tin nhà vua ở Thuận Bài. Khi các viên quan quỳ vái chào nhưng nhà vua vẫn không biểu lộ là bề trên. Vì thế quân Pháp lại càng nghi ngờ người bị bắt không phải là vua Hàm Nghi. Nhưng ngay sau đó có điều tiếc xảy ra là trong số những người đến thăm lại có ông Nguyễn Thuận là thầy dạy học cũ của vua Hàm Nghi. Khi nhìn thấy thầy dạy học, nhà vua đã vái chào. Nhờ thế bọn Pháp mới chắc đã bắt được ông vua bé nhỏ mà lại to gan chống Pháp.
 
Từ Thuận Bài, vua Hàm Nghi được đưa về Thuận An. Tại đây, khâm sứ Rheinart và các quan cơ mật đại thần đến chào, vua Hàm Nghi cáo bệnh không tiếp. Rheinart cho biết Hoàng thái hậu đang ốm, nếu vua Hàm Nghi cần gặp thì ông ta sẵn lòng. Vua Hàm Nghi trả lời rằng:
 
- Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh em, chị em nữa... Nói xong, nhà vua bỏ vào phòng riêng.
 
Ngày 13/1/1889, nhà vua bị đưa bằng tàu La Comett vào Sài Gòn rồi sang thành phố Alger, thủ đô nước Algerie - một thuộc địa của Pháp. Nhà vua sống an trí tại một biệt thự ở làng Albiar, ngoại ô thành phố, với một người Việt Nam phục vụ. Sau một năm tại đây, nhà vua đã bắt đầu học tiếng Pháp, tìm hiểu nền văn chương Pháp, mỹ thuật Pháp. Hàng năm, Nam triều trợ cấp cho nhà vua 25.000 quan để sinh sống và cứ ba năm thay người phục vụ một lần.
 
Thời gian nặng nề trôi đi. Nhà vua bắt đầu khuây khỏa chút ít nỗi đau xót của một người dân mất nước, thân phận đi đày, bằng hội họa, âm nhạc và một mái ấm gia đình nho nhỏ: Một người vợ với ba đứa con (hai gái một trai). Tuy nhiên, ông hoàng An Nam (Le prince d’Annam) theo cách gọi thân thương của dân địa phương vẫn luôn luôn búi tóc, mặc quần áo Việt Nam trong suốt cả cuộc đời tha hương của mình. Năm 1949, vua Hàm Nghi mất tại Algerie, thọ 64 tuổi, số tuổi cao nhất trong các vị vua triều Nguyễn - để lại hình ảnh đẹp của một ông vua khí khái, tuổi trẻ phải chịu lưu đày vì yêu nước, thương dân.
 
Lời bàn:
 
Xét trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời nào cũng có những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân để xin cho mình được cuộc sống vinh thân phì gia. Tiếc rằng, vua Hàm Nghi đã quá tin dùng một kẻ mà chính ông cũng không tường lai lịch, nên cái giá mà ông phải trả là quá đắt. Tuy nhiên, điều đọng lại trong giai thoại trên về vua Hàm Nghi lại không ở điểm này, mà là ở chỗ trước quân thù, ông không nhận mình là vua Hàm Nghi, nhưng trước người thầy dạy của mình thì nhà vua lại vái chào. Việc làm ấy của vua Hàm Nghi đã để lại trong lòng bọn quan quân của Pháp ngày ấy về bài học làm người, về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.
 
Theo một số tài liệu mới được công bố gần đây và trong đó có một chi tiết đáng chú ý: Vua Hàm Nghi có biết ít nhiều về Nguyễn Ái Quốc. Bằng chứng là trong tủ sách của ông có lưu giữ cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và vở kịch “Con rồng tre” của Nguyễn Ái Quốc. Như vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến được với vua Hàm Nghi. Tuy nhiên, một vị vua phải chấp nhận cuộc sống lưu đày làm sao có thể cứu được dân tộc thoát khỏi ách nô lệ?
 
Theo Như Nhất/ Báo Bình Phước