Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu điểm khác nhau giữa trường đại học và đại học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu rõ điểm khác nhau giữa trường đại học và đại học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học/học viện là cơ sở giáo dục với trình độ đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc vài lĩnh vực. Còn, đại học là cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực và gồm nhiều trường đại học/khoa thành viên.
 
Sở dĩ việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên.
 
"Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc", Thứ trưởng nói.
 
Một đại học có thể có nhiều trường đại học thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân, cấp bằng tốt nghiệp riêng hoặc cũng có thể chỉ là trường trực thuộc, không có tư cách pháp nhân, không cấp bằng tốt nghiệp riêng.
 
Về tổ chức quản trị, Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học. Khi đó, Hội đồng đại học sẽ đề ra chiến lược phát triển tầm vĩ mô hơn, áp dụng cho cả các đơn vị thành viên.
 
Thứ trưởng cho rằng, không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình.
 
"Không phải cứ lên đại học là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp",  Thứ trưởng Sơn lưu ý các trường không ồ ạt nâng cấp, chuyển đổi mô hình.
 
Đại học và trường đại học khác nhau thế nào?
 
  Đại học Trường đại học
Nhiệm vụ Cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực (trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành).

Cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực.

Quy mô Tổ chức giáo dục gồm 3 trường đại học thành viên, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học trở lên. Trường đại học có thể là cơ sở giảng dạy độc lập hoặc là thành viên của một đại học. 
Điều hành Lãnh đạo đại học - lãnh đạo trường đại học - lãnh đạo các Phòng/Khoa/Viện nghiên cứu - lãnh đạo bộ môn. Lãnh đạo trường đại học - lãnh đạo các phòng/khoa - lãnh đạo bộ môn.
Cơ quan quản lý

Đại học quốc gia trực tiếp đề xuất, làm việc với Chính phủ, các Bộ ngành trung ương.

Đại học vùng làm việc trực tiếp với Bộ GD&ĐT.

Trường đại học trực tiếp đề xuất, làm việc với Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan chủ quản.
Người đứng đầu Người đứng đầu đại học gọi là chủ tịch hội đồng đại học và giám đốc. Lãnh đạo đứng đầu trường đại học gọi là chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng.
Nhân sự quản lý

Chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học vùng do Bộ trưởng GD&ĐT bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Chủ tịch hội đồng trường đại học, hiệu trưởng do Bộ trưởng GD&ĐT hoặc đơn vị chủ quản bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Ngân sách

Chính phủ quyết định việc phân bổ ngân sách cho đại học quốc gia.

Bộ GD&ĐT quyết định việc phân bổ ngân sách cho đại học vùng.

Bộ GD&ĐT, cơ quan ngang bộ quyết định phân bổ ngân sách cho các trường đại học.

 

Mỗi đại học sẽ gồm nhiều trường, khoa, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học....
 
Các điều kiện chuyển trường đại học thành đại học được Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định 99 (hiệu lực từ ngày 15/2/2020) áp dụng cho các trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.
 
Thứ nhất, trường đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
 
Thứ hai, trường cần ít nhất 3 trường đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Về quy mô đào tạo sinh viên chính quy từ 15.000 em trở lên.
 
Thứ ba, trường cần ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với đại học công lập, còn với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn.
 
Thứ tư, trường xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung. Đồng thời làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).
 

Hà Cường