Ai đó phải làm gì đi chứ? Chẳng nhẽ chúng ta cứ nhắm mắt làm ngơ để dòng suối hiền hòa được thiên nhiên ban tặng hấp hối? Sau này, thế hệ con cháu sẽ sống ra sao nếu như môi trường cứ bị chính con người vì chút lợi ích mà nhẫn tâm hủy hoại?
Ông Võ Văn Phước ở thượng nguồn suối Cát
Món quà vô giá của thiên nhiên
Ông Võ Văn Phước ở xã Đại Bình, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng là người gốc Quảng Nam, di cư lên vùng đất Bảo Lộc sinh sống gần mấy chục năm nay. Tóc điểm bạc, da nhuốm màu sương gió phong trần, những bước chân của ông đã trải qua rất nhiều đồi núi, sông suối. Là một người yêu thiên nhiên, thích trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ những ưu đãi của mẹ thiên nhiên dành tặng, nên khi nói về rừng, suối đang bị tàn phá, ông rất đau đáu.
Hôm tình cờ gặp nhau, qua cái bắt tay, những câu chuyện về sông suối, ông mừng phấn khởi. Ông kể, nhà giáp ngay mặt suối, mỗi sáng, chiều ông đều ra ngồi ngắm. Sông suối bình yên hay trở mình thức giấc cuộn trào, ông đều nhớ rõ và hiểu về nó như lòng bàn tay. Yêu thiên nhiên đến mức, trong vườn của ông có hàng chục cây xanh. Những loại cây người ta phá rừng, chặt bỏ, ông nhặt về trồng để lưu giữ, bảo tồn. Vậy mà giờ đây, mỗi ngày nhìn dòng suối đục ngầu chảy, ông xót xa đến nghẹn lòng.
Ký ức về dòng suối với ông và hàng trăm người dân bản địa hoặc những người tha phương cầu thực lên TP Bảo Lộc định cư vẫn vẹn nguyên. Đầu nguồn suối Cát cách trung tâm TP Bảo Lộc tầm 20km đi xuyên rừng qua các xã Đại Lào, Lộc Châu… Ngày trước, suối trong lành đến mức đứng trên bờ có thể nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, thấy cả rêu phong dưới đáy. Suối là nơi bà con lấy nước về ăn uống, sinh hoạt hay phục vụ tưới tiêu. Những đứa trẻ lớn lên từ suối, đều cảm nhận sự mát mẻ, trong lành từ suối Cát.
Sau nửa thế kỷ, dòng suối Cát bây giờ chỉ còn trong câu hát hoài niệm. Suối đang chết dần chết mòn bởi sự tàn phá đến đáng sợ của những con người bất chấp pháp luật.
Dòng nước tự nhiên trong mát nơi thượng nguồn suối Cát
Hôm rồi, ông Phước dẫn chúng tôi đi vào phía thượng nguồn, nơi phát lộ dòng suối. Từ trung tâm Bảo Lộc, chúng tôi chạy xe máy khoảng 8km, qua cầu Đại Lào, đi tiếp khoảng 6km, xuống một con dốc lớn. Ngay phía chân đèo dốc, nơi đặt nhà máy xử lý rác thải TP Bảo Lộc, có 2 con đường men theo núi.
Chúng tôi men theo con đường leo dốc bên trái, đi tầm 1km gặp thác nước rất hùng vĩ. Địa điểm này từng là nơi giới trẻ khắp nơi thường kéo lên đây du ngoạn, tắm suối, cắm trại vào cuối tuần. Con đường dốc còn lại nằm bên tay phải, muốn đi vào phía thượng nguồn, phải băng qua con đường này với dốc núi lởm chởm đá cao thấp.
Lúc chuẩn bị đi rừng, ông Phước trang bị đầy đủ đồ nghề lương khô, ống nhòm phòng thân. Tôi và ông băng băng trên chiếc xe máy, lao qua những vũng bùn lầy lội, vách đá lồi lõm ổ gà, ổ voi… dấu tích con đường bị cày nát bởi các phương tiện chở cát, đá lậu đi qua vẫn còn đó.
Rong ruổi qua hơn 5km đường rừng, nơi chúng tôi dừng chân là một dòng suối trong mát. Nước chảy róc rách, trong veo. Chạm nhẹ bàn chân xuống nước, cảm giác mát lạnh đến run người. Nhìn dòng suối chảy gần như nguyên sinh, nơi chưa bị con người tàn phá, ông Phước ao ước nếu không bị con người xâm lấn hoặc có ý thức trong việc giữ gìn thiên nhiên, có lẽ TP Bảo Lộc và các vùng lân cận sẽ được tận hưởng dòng suối trong lành.
Hệ quả từ hủy diệt môi trường
Dưới dòng suối nơi gần giáp trung tâm TP Bảo Lộc, có mấy nhà máy khai thác đá, cát. Từ khi ngành khai thác khoáng sản đi vào hoạt động rầm rộ, ngoài lợi ích đóng góp kinh tế cho địa phương thì dòng suối luôn trong tình trạng đục ngầu, đỏ quạnh.
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Bảo Lộc không đúng với báo cáo đánh giác tác động môi trường đã được phê duyệt cùng với việc thiếu kiểm tra, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Nhiều công ty dù được cấp giấy phép đầy đủ nhưng đã lén lút xả thải không qua xử lý ra suối.
Suối bị tận diệt, kéo theo cả hệ luỵ. Đầu tiên là các loại tôm cá, vi sinh vật sống dưới nước gần như không thể tồn tại. Trước đây, nước từ suối rất xanh trong, người dân địa phương thường sử dụng trực tiếp nhưng nhiều năm nay nước suối ô nhiễm nặng, không thể sử dụng.
Dòng suối Cát đục ngầu khi bị nạn khai thác khoáng sản trái phép xả thẳng xuống suối
Nguồn nước bị ô nhiễm, không thể sử dụng vào sản xuất cũng như sinh hoạt khiến cuộc sống hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn. Suối Cát chảy qua các xã của TP Bảo Lộc về Bình Thuận bị bức tử trong nhiều năm là ví dụ điển hình về “tội ác” mà con người đang gây ra.
Dọc tuyến đường nơi con suối chảy qua, không khó để chúng tôi nhìn thấy “cát tặc” mang hẳn máy xúc, xe tải, máy sàng lọc cát và huy động rất đông lao động vào cào nát núi đồi. Núi lở, nước trôi, xả thải ra suối… hình ảnh hiện rõ đập vào mắt bất cứ ai đi qua cũng có thể bắt gặp trên dọc các tuyến suối xã Đại Lào.
Người dân đều biết và câu hỏi là chính quyền địa phương có biết thực trạng này không? Dù phương án xử lý như thế nào thì hậu quả nhãn tiền trước mắt là hàng trăm hộ dân sống ven suối đang phải lãnh đủ. Đau đớn, xót xa, than vãn hay hoài niệm… điều đó không giúp dòng suối Cát tốt lên. Chỉ có hành động mới giữ được dòng suối quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương. Nhìn suối Cát ô nhiễm, ngày càng cạn nước, đục ngầu màu đỏ, khúc hát về dòng suối thơ mộng mai này sẽ chỉ còn là ký ức.
Sự độc ác và lòng tham trước mắt của con người đã tận diệt dòng suối được mẹ thiên nhiên mất hàng trăm, hàng triệu năm hình thành nên. Các thế hệ con cái sau này sẽ “nghèo” và lãnh hậu quả mà chúng ta đang hàng ngày hủy diệt tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Thái Đào