Ẩn chứa vô số điều thú vị, không phải tự nhiên mà ngôi trường này có thể liên tục sản sinh rất nhiều nhân tài và vĩ nhân nổi tiếng thế giới.
Đại học Oxford được thành lập năm 1096. Đây là trường đại học hoạt động liên tục lâu đời thứ 4 thế giới - sau Đại học Al Quaraouiyine (Ma-rốc, thành lập năm 859), Đại học Al-Azhar (Ai Cập, thành lập năm 970) và Đại học Bologna (Italy, thành lập năm 1088).
Riêng tại Anh, Oxford là đại học lớn và lâu đời nhất quốc gia này. Trường đào tạo nhiều ngành ở bậc ĐH và sau ĐH như Y, Luật, Hóa, Sinh, Toán, Lý, Kỹ thuật, Giáo dục, Triết, Thần học, Hoá sinh, Khoa học máy tính, Âm nhạc.
1 số trường trực thuộc của Oxford nổi tiếng như Merton College, Trinity College,… các trường ĐH lớn ở Âu Mỹ hay chia thành các School hay College, mỗi School/College thường gồm 1 hay nhiều khoa có liên quan đến nhau. Anh quốc cũng có những ĐH danh tiếng khác như Notthingham, Cambridge, West of England, University College London, Edinburgh, Coventry, Bristol, Manchester, Liverpool, Leeds, Birmingham, Leicester,…
Trong danh sách “hoành tráng” những người đã học tập hoặc giảng dạy ở Oxford có: 2 vua Anh, 27 thủ tướng Anh, hơn 30 vua và nguyên thủ của các nước khác, vô số nhà khoa học, nhà văn, triết gia, vĩ nhân v.v...
Oxford cũng là đại học tạo ra nhiều triệu phú nhất nước Anh. Tháng 11 năm 2019, Công ty Công nghệ Tài chính Tide (Anh) từng cung cấp danh sách các trường đại học có nhiều triệu phú, tỷ phú nhất ở nước Anh. Số liệu được Tide nghiên cứu từ 1.000 người giàu nhất nước Anh, được đăng tải trên tạp chí Times Rich List để tìm hiểu đại học của họ.
Kết quả cho thấy, Đại học Oxford dẫn đầu danh sách với 55 triệu phú và tỷ phú. Cái tên nổi tiếng có thể kể đến chính là tỷ phú Michael Spencer, nhà sáng lập NEX Group, tài sản ước tính 1,1 tỷ bảng USD (theo Forbes cập nhật từ ngày 4/4/2022).
Đặc biệt, danh sách thành tựu của đại học này còn bao gồm khoảng 65 giải Nobel. Nhiều nhà khoa học vĩ đại như Albert Einstein, Stephen Hawkings đều có thời gian học tập, giảng dạy ở đây.
Bên cạnh đó, Oxford cũng rất giàu truyền thống thể thao. Trong những người từng học tập hoặc giảng dạy ở đây có 120 người đã đoạt huy chương Olympic.
Do đó, đây là một trong những ngôi trường được coi là “văn võ song toàn”, nổi tiếng khắp thế giới.
Tháng 8 năm nay, một người Việt Nam là ông Bùi Ngọc Sơn, giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học Oxford, đã được trường phong hàm giáo sư tại ngôi trường danh giá này.
Ông Bùi Ngọc Sơn là Giáo sư Luật châu Á tại khoa Luật của Đại học Oxford; nghiên cứu viên của trường St Hugh, Đại học Oxford.
Ông học đại học, thạc sĩ và giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc); làm trợ lý giáo sư tại khoa Luật, Đại học Trung Quốc Hong Kong (Trung Quốc); thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý châu Á của khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore. Ông cũng từng tham gia các vị trí nghiên cứu tại trường Luật Harvard, Đại học Melbourne và Đại học Thanh Hoa.
Giáo sư Sơn làm việc về luật so sánh và luật hiến pháp ở châu Á. Ông là tác giả cuốn Constitutional Change in the Contemporary Socialist World (tạm dịch: Thay đổi Hiến pháp trong thế giới xã hội chủ nghĩa đương đại - Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020), và Confucian Constitutionalism in East Asia (tạm dịch: Chủ nghĩa hợp hiến Khổng giáo ở Đông Á - Routledge, 2016).
Ông đang viết một chuyên khảo mới về Cải cách pháp lý trong thế giới xã hội chủ nghĩa đương đại cho Nhà xuất bản Đại học Oxford. Đồng thời, ông cũng là đồng biên tập bốn tập về Luật Hiến pháp so sánh châu Á cho Nhà xuất bản Hart.
Những điều thú vị có riêng ở Oxford
Trường đại học Oxford không chỉ nổi tiếng với truyền thống giáo dục lâu đời mà còn có vô số những điều thú vị không phải ngôi trường nào cũng có.
Mỗi sinh viên đều có giáo viên phụ đạo riêng
Thay vì một giáo viên sẽ giảng dạy, tổ chức các chuyên đề nghiên cứu cho hàng trăm sinh viên như bao trường đại học khác, ở Oxford, mỗi sinh viên đều có giáo viên phụ đạo riêng.
Phần lớn sinh viên cứ 2 lần/tuần sẽ tiến hành nghiên cứu và viết một bài luận 2000 từ, đặc biệt những sinh viên các khoa nghệ thuật hay nhân văn. Sau đó, giáo viên phụ đạo sẽ dành một tiếng hoặc lâu hơn để thảo luận về bài luận hoặc chủ đề đó.
Hầu hết các nhà nghiên cứu và giáo sư tại đại học Oxford đều rất giỏi về chuyên ngành, thậm chí là giỏi nhất thế giới. Đó là một cơ hội tốt để cho các bạn có thể học hỏi về những gì bạn quan tâm, thảo luận, trao đổi ý kiến với những chuyên gia giỏi nhất.
Nơi có kỳ thi khó nhất thế giới
Mỗi năm, những người tốt nghiệp xuất sắc nhất của Oxford được mời tham gia kỳ thi giành học bổng của All Souls College. Ngôi trường All Soul thuộc đại học Oxford luôn được coi là bí ẩn nhất khi nằm tách biệt hoàn toàn với các trường khác, sở hữu bức tường bao quanh cao gần 10m và cánh cổng sắt lớn.
Kỳ thi giành học bổng tại đây chỉ cho phép khoảng 1 đến 2 người được chọn tham gia. Cũng chính vì thế, All Souls College Fellowship Examination được đánh giá là kỳ thi khó nhất thế giới.
Trước năm 2010, đề bài của kỳ thi này chỉ là một từ duy nhất. Các ứng viên được yêu cầu mở một chiếc phong bì bên trong có chứa 1 từ duy nhất, ví dụ như “ngây thơ”, “đạo đức”... Nhiệm vụ của ứng viên là phải viết một bài luận về chủ đề trong phong bì với thời gian 3 tiếng.
Sau năm 2010, kết cấu bài thi mới được thay đổi sau khi Oxford nhận thấy dạng đề bài này không thực sự hiệu quả. Dạng đề bài mới của kỳ thi hiện tại gồm nhiều câu hỏi mở ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những truyền thống kỳ lạ cho cả sinh viên và giáo viên
Oxford thường tổ chức những bữa tối vui vẻ cho tất cả sinh viên, giáo viên trong trường vào cuối tuần. Khi tham gia, tất cả mọi người đều sẽ mặc áo choàng đồng phục.
Họ có thể ném trứng hay pasta vào các sinh viên khi kết thúc kỳ thi, hoặc tụ họp bên ngoài trường Magdalen College vào lúc 5 giờ sáng để xem những sinh viên trẻ sáng giá nhất nhảy xuống hồ.
Nơi có nhiều thư viện và sách nhất
Đại học Oxford có hơn 100 thư viện ở trong trung tâm và có vô số các hiệu sách ở xung quanh trường. Nơi đây nổi tiếng sở hữu hàng trăm nghìn loại sách từ cổ xưa đến hiện đại với đủ các thể loại, là thiên đường cho người đam mê sách.
(Nguồn: Telegraph, Tổng hợp...)