Làm gì để phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp?
Để thực hiện hóa giấc mơ đưa sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp, ngoài câu chuyện đảm bảo được nguồn giống, thì sự chung tay đầu tư của các doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mục tiêu đến năm năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, hằng năm sản xuất 5 - 10 triệu cây giống (trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô); có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu, chế biến sản phẩm. Đến năm 2045, có 500 - 1.000 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
 
Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng nói tới ngành công nghiệp sâm Ngọc Linh thì phải đảm bảo được 2 mặt chính: tạo ra lượng hàng hóa lớn (nghĩa là phải phát triển vùng nguyên liệu) và tạo ra cơ sở chế biến gắn với xây dựng thương hiệu chuỗi giá trị.
 
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (đầu tiên từ trái qua) đến thăm và làm việc với Samsam Group về phát triển vùng dược liệu công nghệ cao
 
Ông Út, thừa nhận rào cản trong mở rộng diện tích trồng sâm nằm ở khâu giống, còn với chế biến thì thiếu nguyên liệu đầu vào. Các chính sách ban hành vừa qua chủ yếu là kích thích doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển, tạo thương hiệu sâm quốc gia. Tuy nhiên, để sâm Ngọc Linh phát triển xứng đáng với đẳng cấp thương hiệu quốc gia, thì không thể chỉ dừng lại ở thị trường bán thô mà bắt buộc phải tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
 
Cần những cái “bắt tay” của các nhà đầu tư chiến lược
Thông qua đề án thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện cho 7 tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm khoảng 200 ha. Đặc biệt, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây giống và chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ sâm Ngọc Linh.
 
SamSam Group là doanh nghiệp “tiên phong” trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại (đặt tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), để nghiên cứu nhân giống cây sâm và sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.
 
 
Quang cảnh nhà máy nhân giống, chế biến sâm Ngọc Linh của SamSam Group đặt tại Khu công nghiệp Tam Thăng
 
Hiện đơn vị đã làm chủ công nghệ nhân giống sâm với các công đoạn: tạo mẫu in-vitro từ thân rễ (củ) và lá sâm; tạo mô sẹo - phôi thứ cấp, hình thành cây con; tạo cây con in-vitro có bộ rễ hoàn chỉnh; quản trị được nguồn giống, qui chuẩn phương pháp gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đây là cơ sở vững chắc để đáp ứng chiến lược phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.
 
Thành công nhân giống sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô không chỉ giúp lưu giữ nguồn gene quý, bảo tồn cây sâm trước nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác quá mức của con người, mà còn giúp giải bài toán chủ động được nguồn giống cho các vùng trồng quy mô công nghiệp…
 
Điều này đã đưa SamSam Group là đơn vị “tiên phong” trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nhân giống vô tính với năng lực sản xuất 1 triệu cây giống/năm. Mục tiêu đến năm 2030 đạt năng suất 5 triệu cây giống/năm.
 
Ngoài ra, SamSam Group đã phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tại thôn 2 (xã Trà Linh, H.Nam Trà My) và đã trồng được 500.000 cây.
 
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT SamSam Group, cho biết hiện nay cũng như nhiều doanh nghiệp phát triển sâm Ngọc Linh, đơn vị khó tiếp cận với các nguồn vốn, trong khi các ngân hàng rất dè dặt cho doanh nghiệp vay để phát triển vùng trồng. Một phần vì “vòng đời” sinh trưởng và sinh lời của cây sâm Ngọc Linh ít nhất phải 4 - 5 năm trở lên. Nhưng, lại chưa có chính sách bảo hiểm đặc thù cho loại cây đặc hữu, có giá trị rất cao này.
 
Theo ông Lực, quy luật của phát triển là “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Muốn để sâm Ngọc Linh đã bước ra khỏi “tủ kiếng” để chinh phục người tiêu dùng thế giới, trở thành ngành công nghiệp “tỉ đô” thì cần phải có có những cái bắt tay của các nhà đầu tư chiến lược.
Để làm được điều này, nhà nước cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây sâm và các sản phẩm từ sâm.
 
“Để đạt được mục tiêu đề án của Chính phủ thì cần có thêm nhà đầu tư chiến lược cùng “chung tay” đầu tư và gánh vác sứ mệnh thực hiện ước mơ công nghiệp Sâm Việt Nam. Tôi tin rằng, nếu có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, chỉ ít năm nữa, hiệu quả kinh tế mà cây sâm Ngọc Linh mang lại cho đất nước là vô cùng lớn”, ông Lực chia sẻ.
 
Định hướng của tỉnh Quảng Nam là từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn xa trên thị trường quốc tế với nhiều loại sản phẩm chế biến sâu. Nhưng không dễ hiện thực hóa mục tiêu trên nếu không đảm bảo được nguồn giống, mở rộng được diện tích vùng trồng, đầu tư hình thành trung tâm chế biến dược liệu... Điều này đòi hỏi cần có sự chung tay của các nhà đầu tư chiến lược.