Quách Kiến Lân và con đường màu xanh Greenyarn
Từng đứng trước bờ vực phá sản vì sự hờ hững của thị trường cùng với hàng loạt khó khăn chồng chất đè nặng lên vai, thế nhưng nhà sáng lập Vải sợi Bảo Lân vẫn kiên trì với mục tiêu lấy giá trị bền vững làm cốt lõi để nỗ lực duy trì hoạt động và phát triển.

Quách Kiến Lân, Dave Quách
 
Ông Quách Kiến Lân (Dave Quách) người sáng lập vải sợi Bảo Lân
 
Hành trình hơn 10 năm theo đuổi hoài bão “xanh hóa” sợi vải cho ngành may mặc tại thị trường nội địa, nhà khởi nghiệp Quách Kiến Lân đã phải trải qua nhiều thăng trầm và đầy thử thách.
 
Khát khao tạo ra sản phẩm "xanh" cho may mặc
 
Cơ hội sống và học tập tại New Zealand đã cho Quách Kiến Lân (có tên khác là Dave Quách) có cái nhìn thấu đáo hơn về khái niệm phát triển bền vững mà đất nước này luôn theo đuổi.
 
Người dân đất nước Kiwi sống chan hòa và tôn trọng thiên nhiên như một nguyên tắc được lưu truyền từ bao đời. Ở đó, những giá trị văn hóa Maori được gìn giữ, cây xanh hiện diện khắp nơi, không khai thác khoáng sản quá độ cũng như đánh bắt cá trong kích cỡ và số lượng cho phép, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ thay cho các sản phẩm hóa học,…
 
Hơn 10 năm sống và học tập tại New Zealand đã “bắt rễ” những tư duy về sống xanh, cũng như khao khát được tạo nên những dấu ấn tốt đẹp cho xã hội trong tâm trí của Quách Kiến Lân.
 
Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Massey, anh quay về quê hương để nối tiếp truyền thống kinh doanh vải sợi của gia đình nhưng lấy giá trị bền vững làm cốt lõi doanh nghiệp. Năm 2011, anh thành lập Công ty TNHH MTV Vải sợi Bảo Lân với hoài bão thúc đẩy thời trang xu hướng sống xanh và cung cấp nguyên liệu xanh cho ngành dệt may, tạo ra giá trị cho khách hàng, cân bằng lợi ích cho xã hội và kinh doanh, đồng thời vẫn giữ được sự phong phú của hệ sinh thái tự nhiên.
 
Con đường khởi nghiệp vốn chưa bao giờ bằng phẳng. Khởi nghiệp với một sản phẩm ở thời điểm thị trường còn mơ hồ, tiếp cận khách hàng và thuyết phục những người đã quen với cách thức tiếp cận nguồn hàng truyền thống thử chuyển sang một lựa chọn mới lại càng gian nan gấp bội.
 
 
Trong những năm đầu kinh doanh, Quách Kiến Lân đã tìm đủ mọi cách để dần dần biến những sản phẩm mới lạ như vải sợi tái chế (recycle), vải sợi sinh thái… trở thành nguyên liệu sản xuất cho các khách hàng, đối tác may mặc. Thế nhưng không ít lần công ty đứng trước bờ vực phá sản vì sự hờ hững của thị trường.
 
“Không thể đếm hết những cái lắc đầu từ chối với muôn ngàn lý do lẫn ngờ vực”, anh buồn bã nói, và chia sẻ: “Có lần đi chào khách về loại nguyên liệu mới và khi ra về tôi còn vô tình thấy khách ném vào sọt rác, lòng buồn không nói nên lời”.
 
Khó khăn là vậy nhưng anh chia sẻ chưa bao giờ nghĩ đến việc phải bỏ cuộc. Niềm tin xanh hóa được xem là xu hướng phát triển tất yếu của ngành may mặc nói riêng cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống, cộng với bản tính “cứng đầu” của anh đã giúp Bảo Lân trụ vững và dần khẳng định vị trí cao trong sản xuất, cung ứng các loại vải sợi thân thiện đạt chuẩn.
 
 
Anh chia sẻ, cũng từ những vấp ngã buổi đầu, hơn một năm sau đó, Vải sợi Bảo Lân tái tổ chức và bắt đầu lại với Greenyarn – thương hiệu tập trung vào tìm nguồn, phát triển, và phân phối sợi vải bền vững số lượng lớn đến các nhà máy may mặc Việt Nam, sau đó là W.ELL Fabric – thương hiệu chuyên cung cấp nguyên liệu vải sinh thái, vải đặc biệt cho các đơn hàng theo yêu cầu.
 
Riêng với Greenyarn, Bảo Lân đã mang đến 5 dòng sản phẩm sợi vải sinh học thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đáng chú ý, sợi vải của Greenyarn bao gồm các loại sợi có nguồn gốc tự nhiên (như cây bông cotton, cây tre, bột gỗ,…) hay sợi tái chế (như vật liệu hậu tiêu dùng hoặc tiền tiêu dùng) khiến nhiều đối tác có cùng chí hướng về phát triển bền vững tin tưởng chọn dùng. Nhờ đó mà tệp khách hàng của Vải sợi Bảo Lân tăng dần lên.
 
 
Kiên trì theo đuổi mục tiêu vải sợi xanh
 
Trên thế giới, ngành công nghiệp thời trang thường bị “điểm mặt” như là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm hàng đầu. Không chỉ xả ra hàng tấn rác thải từ các loại sản phẩm “fast fashion” mà quá trình canh tác, dệt, nhuộm… cũng gây những tác hại to lớn đến môi sinh.
 
Các quốc gia phát triển ở châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc,… đã gióng lên các hồi chuông mạnh mẽ phải xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, sự thay đổi mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng đã khiến các thương hiệu lớn nhỏ đều phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu bền vững hơn, cam kết trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
 
Ở thị trường trong nước, sự thay đổi diễn ra âm thầm và có vẻ “thong thả” hơn rất nhiều. Trái lại với những chuyển biến chậm rãi của thị trường, Vải sợi Bảo Lân chọn cho mình một hướng đi độc lập, kiên quyết.
 
Và chỉ hơn 1 thập niên nhưng Bảo Lân đã dần khẳng định được vị thế dẫn đầu trong việc cung cấp vải sợi đạt chuẩn sinh thái cho mọi quy mô đơn hàng. Có được điều này, then chốt chính là Quách Kiến Lân đã sớm nhìn ra được nhu cầu “sống xanh” và sử dụng các sản phẩm xanh của thế hệ người tiêu dùng trẻ.
 
Anh liên kết với các trường đại học để song song nghiên cứu, tìm kiếm những khả năng ứng dụng cho các loại nguyên liệu sẵn có như sợi dứa, sợi chuối… nhằm phát triển các loại vải thân thiện với người dùng và môi trường nhưng còn đang phải nhập khẩu như vải sợi bamboo biocell, cà phê, vải poly phân… Điều này là để có thể tự chủ sản xuất, nâng cao năng lực đáp ứng của ngành dệt may trong nước.
 
Bên cạnh thân thiện môi trường, Vải sợi Bảo Lân cũng là thương hiệu rất mạnh trong việc kết hợp thêm nhiều tính năng bảo vệ sức khỏe, lấy người dùng và môi trường làm gốc để cho ra đời các vải kháng UV, kháng côn trùng, kháng mùi… phục vụ cho nhu cầu trang phục thường ngày và cả thời trang cao cấp.
 
Để khách hàng chấp nhận và dần chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu vải sợi mới, Bảo Lân nghiên cứu và phát triển những dòng sản phẩm có những đặc thù tương tự với những gì khách hàng đang sử dụng với giá cả phù hợp nhất. Song song đó, cùng khách hàng chuẩn bị các bước phát triển tiếp theo cho những sản phẩm tương lai. Bảo Lân cũng làm sẵn một số mẫu vải giúp khách hàng có thể tiết kiệm chi phí hơn nếu muốn tự phát triển theo ý mình.
 
 
Daniel Quác và Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
 
Phát triển và lan tỏa những mục tiêu "xanh"
 
Nhìn lại cả hành trình hơn 10 năm “khởi nghiệp”, Dave Quách thường hài hước tự nhận, “Chắc tại tôi cứng đầu, làm gì cũng phải theo tới cùng”. Những ngày trực tiếp đi chào sản phẩm, thất bại khi “dụ dỗ” đối tác chấp nhận thử thay đổi không khiến cho lửa đam mê của anh nguội tắt. Trái lại, mỗi cái lắc đầu lại càng thôi thúc anh tìm hiểu cặn kẽ hơn, “lắng nghe những lý do người ta từ chối mình nhiều hơn để có thể thuyết phục tốt hơn những người sau.
 
“Không phải đối tác không biết về sự cần thiết của chuyển đổi bền vững hay họ không trả nổi cho việc thay đổi sản phẩm đó mà quan trọng là họ đang trong khoản không gian an toàn và đang phát triển ổn định với những gì đang có”, Dave Quách nhận định. “Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại khi thay đổi sản phẩm thân thiện hơn cho môi trường thì giá cả và tính năng cũng sẽ thay đổi. Khi đó cái mà họ mất không chỉ là đơn hàng mà có khả năng là sự trung thành của lượng khách hiện có nữa”.
 
Dù còn rất nhiều thách thức từ nội tại cũng như các yếu tố khách quan như đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, tình trạng bất ổn của các nền kinh tế do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraina ,… khiến cho tình hình kinh doanh của Vải sợi Bảo Lân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Dave Quách cho biết anh vẫn luôn kiên định với mục tiêu lấy người dùng là trọng tâm và nâng cao năng lực tự chủ cung ứng tiến tới xanh hóa ngành dệt may.
 
 
Anh cho biết Vải sợi Bảo Lân cũng không có một công thức cố định nào cho tình hình thị trường hiện nay.
 
“Cách chúng tôi đang làm hiện giờ là giữ những cái cốt lõi, giữ kế hoạch cốt lõi và thay đổi tùy biến những thứ có thể thay đổi”, anh nói. Cũng như dự án Bamboo Biocell – Hệ sinh thái sợi và vải tre sản xuất tại Việt Nam là một dự án cốt lõi của công ty được chuẩn bị hơn 2 năm thì bị “mắc dịch” Covid.
 
“Chúng tôi không vì thị trường bị đình trệ mà bỏ dở nhưng sẽ thay đổi để phù hợp cho thời thế hiện nay”, anh cho biết, và nói “Gặp và lắng nghe khách hàng nhiều hơn, tinh giản những thứ không cần thiết, dốc sức vào nghiên cứu nhiều hơn chuẩn bị cho tương lai sắp tới”.
 
Đối với Dave Quách, phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà là sự chuyển tiếp của phát triển. Trải qua hành trình 10 năm, công ty Bảo Lân vẫn không ngừng tìm tòi những giải pháp cho sản phẩm của ngành dệt may, giúp giải quyết vấn đề từ gốc rễ, để sau khi sản phẩm không còn được sử dụng có thể phân hủy hoàn toàn và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và con người.
 
Đáng chú ý, tư duy phát triển bền vững của anh còn rộng mở đến hệ sinh thái “con người, môi trường và xã hội”. Anh chia sẻ, “10 năm ở New Zealand giúp tôi nhận ra bền vững là cốt lõi, không phải giá trị cộng thêm. Trong tương lai, tôi hy vọng những ý tưởng của mình sẽ đem đến cảm hứng kinh doanh và tiêu dùng xanh cho ngành thời trang tại Việt Nam”.