Bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: "Bác mẹ sinh ta phận ốc nhồi/ Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi".
Lăn lóc là từ đôi cùng có nghĩa, nhằm chỉ sự vật nào đó lăn đi lăn lại, nhảy lên, trườn tới qua nhiều vị trí...
Vậy cắc cớ hỏi thêm, cơn cớ tại làm sao "cù" lại chen ngang, "chia uyên rẽ thúy" giữa lăn lóc để trở thành "cù lăn cù lóc"? Sở dĩ như thế là vì chính cù mới phản ánh rõ nét nhất của hành động lăn và lóc, bởi trước hết ít ra vật ấy phải tròn. Nói cách khác, cù là do từ Hán - Việt "cầu" mà ra, nhằm chỉ vật hình tròn.
Trong vốn từ của người miền Nam có hòn cù/ trái cù. Nó được sử dụng trong trò chơi như đánh cù, cù khăng, thể hiện qua cách nói "lăn như trái cù". Trái cù ấy, theo "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895): "Trái tròn để mà đánh trổng". Cách giải thích này khó hiểu bởi từ trổng/ đánh trổng. Thì đây, tự vị này cho biết: "Đánh trổng: Cuộc chơi trái cù, hai người cầm lấy hai đoạn cây đánh trái cù qua lại mà giành đàng đất; người sức mạnh hoặc biết thế đánh trái cù đi xa thì lấn đàng đất nhiều".
Vậy, khi từ "bù" chen ngang vào để trở thành "bù lăn bù lóc" thì "bù" có nghĩa là gì? Thật ngạc nhiên một cách thú vị, bù trong ngữ cảnh này cũng chính là cù/ cù lăn cù lóc. Mà, cũng độc đáo không kém như khi nói cầu bơ cầu bất/ cầu bất cầu bơ thì cũng chính là cù bơ cù bất/ cù bất cù bơ. Chẳng hạn, nhà thơ Tố Hữu viết:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…".
Nói như nhân vật của nhà văn Vũ Trọng Phụng tự kể: "Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Khi hãy còn ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác được bố mẹ chiều chuộng, nâng niu, ẵm bế, riêng tôi là một đứa bé một mình phải chịu nhiều nỗi gian nan" - có thể đó là hoàn cảnh lang thang vất vưởng, không chốn nương thân, bị bỏ bê, không ai ngó ngàng tới…
Tất nhiên, cù còn có nhiều nghĩa khác.
"Oánh ông Tơ cái trót
Ổng nhảy thót ngọn bần
Biểu ông xe mối chỉ, ổng cù lần không se".
Vậy, cù/ cù lần ở đây có phải như ta hiểu theo cách giải thích của "Từ điển tiếng Việt thông dụng" (Vietlex): "Ngù ngờ, chậm chạp (hàm ý chê hoặc hài hước): Người đâu mà cù lần thế không biết"? Không đâu. Cù lần trong ngữ cảnh này chính là cách nói tắt của cù lần cù cứa - chỉ hành động chần chừ, lần khân, dây dưa, lần lữa. Tùy ngữ cảnh cũng có thể hiểu như cù lơ cù trợt, cù nhầy/ cù nhằng/ cù nhây/ cù nhựa...
Không chỉ có thế, còn có thể kể thêm từ khác nữa, nay chỉ có thể tìm thấy trong "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895): "Cù xây: Hay làm lầy; bộ dai hoi. Nợ đòi mặt nợ, nó cù xây". Trường hợp này, với tính cách cù nhằng, với bộ mặt trơ ra đó, người miền Nam xưa gọi là "cù chì cù mài".
Lê Minh Quốc