Thứ trưởng Công Thương: Giá điện sẽ tăng
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, áp lực tăng giá điện là rất lớn và Bộ Công Thương đang trình phương án tăng giá bán lẻ.
 
Thông tin trên được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương nói với VnExpress bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4.
 
"Mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hoà lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho EVN, lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát", ông nói.
 
Tuần trước, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất điện của EVN, sau khi lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của tập đoàn này. Đây là cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện.
 
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm ngoái của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là gần 493.300 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
 
Như vậy, với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra. Cả năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỷ đồng. Việc gánh khoản lỗ "khủng" khiến EVN rơi vào nguy cơ mất cân đối tài chính.
 
Cũng tại họp báo, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận được câu hỏi liên quan tới việc sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
 
Ông cho hay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, xin ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan dù theo quy định, không cần xin ý kiến nếu văn bản quy phạm lập theo trình tự thủ tục rút gọn.
 
Ban soạn thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, bất kể văn bản quy phạm pháp luật nào "khó có thể hoàn chỉnh tuyệt đối, chỉ có phương án tốt nhất trong một thời điểm do tình hình liên tục thay đổi".
 
Về kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ liên quan tới mức chiết khấu tối thiểu trong giá bán, Thứ trưởng Hải nói sẽ tiếp thu góp ý nhằm đảm bảo công khai minh bạch, hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
 
Về khung giá phát điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương bị chủ đầu tư chê quá thấp, dẫn tới nguy cơ họ phá sản.
 
Hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá FIT ưu đãi, mà phải đàm phán giá với EVN theo khung giá phát điện Bộ Công Thương ban hành đầu năm nay.
 
Ông Hải khẳng định khung giá này được Bộ tính toán, ban hành đúng quy định. Cụ thể, các thông số đầu vào tính khung giá được chọn từ dữ liệu thu thập thực tế báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời, 109 nhà máy điện gió và số liệu từ các tổ chức tư vấn trong nước, quốc tế.
 
Mặt khác, suất đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió đã giảm nhiều so với trước đây.
 
Ngày 31/3 là hạn chót được Bộ Công Thương giao đàm phán xong giá với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp nhưng EVN cho biết "chưa thể hoàn thành" vì nhiều vướng mắc.
 
Ông Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ yêu cầu EVN, các chủ đầu tư sớm đàm phán giá trên tinh thần hài hoà, chia sẻ rủi ro, để sớm đưa số dự án chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.