Cô gái Bắc Giang tốt nghiệp loại giỏi ngành Cơ khí ôtô
Dù lấm lem dầu nhớt, xây xước tay chân, lúc nào Linh Chi cũng muốn đến gần những chiếc ôtô để xem xét mọi thứ.
 
Chi phát biểu trong lễ tốt nghiệp của khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông Vận tải, hôm 30/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Hà Linh Chi, 23 tuổi, quê Bắc Giang, nằm trong 5 sinh viên tốt nghiệp có điểm tổng kết cao nhất chuyên ngành Cơ khí ôtô của trường Đại học Giao thông vận tải năm nay. Với 3.4/4.0 điểm, em nhận bằng kỹ sư loại giỏi - mức cao nhất một sinh viên khoa Cơ khí khóa này đạt được.
 
Trong lễ tốt nghiệp hôm 30/3, Chi đại diện cho gần 350 sinh viên phát biểu cảm xúc và tri ân thầy cô.
 
"Mình đã rất run khi đứng trên bục phát biểu. Quá nhiều kỷ niệm trong hơn bốn năm học tập tại trường ùa về. Đó là giây phút mình tự hào vì đã chứng minh cho gia đình và mọi người thấy mình không sai lầm khi chọn học kỹ thuật cơ khí ôtô", Chi nói.
 
Khoảnh khắc Chi phát biểu được chia sẻ trên fanpage trường Đại học Giao thông vận tải, thu hút hơn 3.000 lượt yêu thích cùng hàng trăm bình luận.
 
"Em là fan của MU (đội bóng đá Manchester United). Có hãng ôtô tài trợ cho MU nên em chọn học Cơ khí ôtô", phát biểu của Chi được fanpage trích dẫn.
 
Chi cho biết đó chỉ là một lý do rất nhỏ từng chia sẻ vui với thầy giáo trong năm đầu đại học.
 
Ngày còn là học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang, Chi đã xác định chọn khối Kỹ thuật bởi "không thích các ngành Kinh tế hay Xã hội". Khi đó, Chi ít khi được đi ôtô nên rất phấn khích mỗi lần được trải nghiệm. Nữ sinh xem nhiều video review siêu xe của Supercar Blondie, rồi dần yêu thích và muốn tìm hiểu về loại phương tiện này. Tất cả dẫn đến quyết định chọn chuyên ngành Cơ khí ôtô của nữ sinh khi đăng ký xét tuyển đại học.
 
Khi chia sẻ với bố mẹ, Chi bị phản đối gay gắt với nhiều lý do, từ quan niệm "con gái không nên chọn ngành cơ khí" đến "ngành này vất vả, khó xin việc". Thậm chí, khi trúng tuyển, bố mẹ Chi vẫn khuyên "năm sau thi lại".
 
Ngày đầu đến giảng đường, Chi không ngạc nhiên khi cả chuyên ngành hơn 200 sinh viên chỉ có 4 nữ, riêng lớp của Chi có hai nữ trong tổng số 55 người, nhưng cô gái không nghĩ đến khó khăn.
 
Việc thay đổi môi trường học tập, chưa tìm được cách học phù hợp, chưa có bạn bè thân thiết khiến Chi loay hoay và không thể tập trung học. Kết quả ba kỳ đầu không như mong đợi, điểm học kỳ đầu năm thứ hai chỉ đạt 2.06/4.0. Chi nói bản thân cảm thấy "tồi tệ" và tìm cách để tốt lên.
 
Mê bóng đá, thích câu lạc bộ MU và vẫn theo dõi giải Ngoại hạng Anh mỗi cuối tuần, Chi lấy môn thể thao vua thành chủ đề trò chuyện với các bạn nam trong lớp. Từ nói chuyện bóng đá, đi xem đá bóng, Chi thân thiết với nhiều bạn hơn.
 
Việc học tập cũng trở nên suôn sẻ khi Chi bắt đầu học các môn chuyên ngành. "Mình như cá gặp nước, học đến môn nào cũng thấy hay và muốn tìm hiểu nhiều hơn", Chi chia sẻ. Cô không gặp nhiều khó khăn bởi đã tìm hiểu rất nhiều kiến thức liên quan đến ôtô qua các diễn đàn và tài liệu trên Internet.
 
Học cơ khí, Chi cũng đến xưởng để thực hành. Nữ sinh học mọi kỹ năng từ hàn, tiện, phay. PGS.TS Nguyễn Thành Công, Phó trưởng bộ môn Cơ khí ôtô, khoa Cơ khí, ấn tượng với cô sinh viên luôn chủ động xin thầy cho đến xưởng thực hành dù không phải trong tiết học, rồi một mình tìm tòi, nghiên cứu kết cấu máy móc, thiết bị.
 
"Thông thường, các bạn nam sẽ yêu thích và chịu khó mày mò hơn. Nhưng Linh Chi là trường hợp đặc biệt. Em chăm chỉ và đặt mối quan tâm rất lớn vào việc này", thầy Công nói.
 
Linh Chi tham gia bảo dưỡng, sửa chữa ôtô khi đi thực tập. Video: Tiktok Toyota Bắc Giang
 
Tháng 7/2022, khi là sinh viên năm thứ tư, Chi có kỳ thực tập ba tháng tại xưởng bảo dưỡng và sửa chữa ôtô của Toyota Bắc Giang. Dù biết đi làm khác thực hành ở trường, Chi vẫn choáng với môi trường làm việc toàn kỹ thuật viên nam, không ai đủ tin tưởng giao việc cho mình, thậm chí khuyên em nên bỏ việc. Cô kể dưới cái nắng tháng 7, giữa xưởng sửa chữa không điều hòa, thu mình trong một góc để quan sát, cô tủi thân, có lúc như muốn gục xuống.
 
"Sau ngày đầu tiên, mình rất mệt mỏi. Mình đã dành cả tối suy nghĩ, vạch kế hoạch rõ ràng để thực hiện", Chi nhớ lại. Hôm sau, Chi chủ động xin 1-2 tuần quan sát, giúp những việc đơn giản rồi làm trực tiếp từ tuần thứ ba.
 
Quy trình bảo dưỡng ôtô có nhiều bước, từ kiểm tra đến vệ sinh các bộ phận, thay phụ kiện. Sau hai tháng thực tập, Chi đã tự tay làm được hết. Đến tháng thực tập cuối, Chi được sang tổ sữa chữa ôtô với nhiều công việc kỹ thuật hơn. Hết ba tháng, đến thời gian làm đồ án tốt nghiệp, do không phải lên giảng đường, cô xin ở lại học việc ba tháng nữa, vừa để thuần thục công việc sửa chữa, bảo dưỡng xe, vừa học thêm nghiệp vụ cố vấn dịch vụ.
 
Là giảng viên hướng dẫn Chi làm đồ án tốt nghiệp, thầy Công đánh giá cao việc Chi vừa làm đồ án, vừa học việc tại doanh nghiệp.
 
"Dù đảm nhận nhiều công việc cùng lúc, Chi vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ. Đồ án được hội đồng đánh giá có chất lượng rất tốt", thầy Công nói, nhận xét Chi chịu khó, kiến thức chuyên môn tốt và năng nổ. Chi là thành viên tích cực của đội Đại học Giao thông vận tải tham gia cuộc thi Lái xe sinh thái tiết kiệm - Tiết kiệm nhiên liệu hàng năm.
 
Hà Linh Chi tại xưởng bảo dưỡng của Toyota Bắc Giang, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Hà Linh Chi tại xưởng bảo dưỡng của Toyota Bắc Giang, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Tháng 11 năm ngoái, dù chưa tốt nghiệp, Chi ứng tuyển vào Toyota Việt Nam và trúng tuyển vào phòng đảm bảo chất lượng (QA). Công việc này vẫn cần chuyên môn nhưng thiên về văn phòng nhiều hơn, "không phải chui gầm, lấm lem, xây xước".
 
"Bố mẹ đã rất vui và ủng hộ công việc của con gái. Mình tự hào vì đã làm được điều đó", Chi chia sẻ.
 
Có công việc đúng chuyên ngành, Chi muốn được trải nghiệm những công việc liên quan khác. Cô ước mơ một ngày được nhiều người biết đến như một cô gái rất am hiểu về ôtô.
 
"Và mong ước gần hơn là sở hữu chiếc ôtô cho riêng mình", Chi cười, nói.