Trước đây, thần tượng K-Pop ngoài 20 tuổi như BlackPink thường được lựa chọn vào vị trí đại sứ thương hiệu cao cấp. Tuy nhiên, ngôi sao tuổi teen như NewJeans dần chứng tỏ sức hút.
Haerin (NewJeans) đeo trang sức của Dior trên bìa tạp chí Vogue, đánh dấu sự hợp tác với nhãn hàng này. Ảnh: Vogue.
Ngày 26/4, Haerin (NewJeans) chính thức được Dior bổ nhiệm vào vị trí đại sứ thương hiệu. Vừa tròn 16 tuổi, vai trò mới đem đến thử thách cho thành viên NewJeans.
Về chung nhà với các tiền bối như Jisoo (BlackPink), Jimin (BTS), Sehun (EXO), Haerin gặp thử thách lớn để hoàn thành tốt vai trò đại sứ như đàn anh đàn chị. Chặng đường đồng hành của cô và Dior thu hút sự chú ý của công chúng.
Xu hướng lựa chọn gương mặt đại diện tuổi teen (từ 13 đến 19 tuổi) trở nên phổ biến ở các nhãn hiệu thời trang xa xỉ từ đầu năm 2023. Không chỉ Haerin, các thành viên còn lại của NewJeans cũng được nhãn hàng cao cấp chọn mặt gửi vàng.
Đại sứ tuổi teen được ưa chuộng
Haerin (NewJeans) đeo trang sức của Dior trên bìa tạp chí Vogue, đánh dấu sự hợp tác với nhãn hàng này. Ảnh: Vogue.
Theo CNBC, trước đây, thương hiệu cao cấp thường giao vị trí đại sứ cho các ngôi sao K-Pop hơn 20 tuổi như BlackPink.
Tuy nhiên, từ 2022 đến 2023, các thần tượng tuổi teen xuất hiện liên tục trong chiến dịch quảng cáo, trên thảm đỏ sự kiện, hàng ghế đầu show thời trang của nhà mốt danh tiếng.
Trước Haerin, các thành viên khác của NewJeans đều được bổ nhiệm vào vị trí đại sứ nhãn hàng thời trang cao cấp. Cụ thể, Minji ký hợp đồng với Chanel, Hanni đại diện cho Gucci và Armani Beauty, Danielle hợp tác với Burberry và YSL Beauty, còn Hyein bắt tay với Louis Vuitton.
Bên cạnh các hợp đồng riêng, cả nhóm cũng hợp tác với nhãn hàng Levi's. Giữa tháng 3/2023, các cô gái của NewJeans chính thức được nhãn hiệu này chọn mặt gửi vàng, giao cho vị trí đại sứ quốc tế.
BlackPink vẫn được coi là “của hiếm” của nền giải trí Hàn Quốc. Nhóm nhạc nữ này thành công thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc và thời trang. Tuy nhiên, NewJeans đang dần khẳng định vị trí, vươn lên chiếm lĩnh thị trường may mặc béo bở, BOF đưa tin.
Giải thích cho sự thay đổi trong việc lựa chọn gương mặt đại diện, nhiều nhãn hiệu cho rằng độ tuổi khách hàng mục tiêu của họ ngày càng giảm. Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn Bain & Company, đến năm 2030, thế hệ Alpha và MZ (Millenials và Gen Z) chiếm 80% tổng số người tiêu dùng thời trang cao cấp toàn cầu.
Khách hàng ngày càng trẻ
Nhóm nhạc New Jeans với 5 thành viên ở độ tuổi teen trở thành đại sứ nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ. Ảnh: Vogue.
Báo cáo của Bain & Company cho biết độ tuổi sở hữu sản phẩm thời trang xa xỉ đầu tiên của Gen Z là 15 tuổi, sớm hơn 3-5 năm so với thế hệ Millennials.
CNBC liệt kê 3 nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này.
Thứ nhất, sự gia tăng của số lượng người giàu có trong xã hội thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao cấp.
Thứ hai, sự phổ biến của mạng xã hội khiến người dùng phát sinh mong muốn khoe khoang của cải vật chất, bao gồm sản phẩm thời trang xa xỉ.
Thứ ba, sự thịnh hành của các kênh bán hàng trực tuyến như sàn thương mại điện tử và website nhãn hiệu giúp váy áo, túi xách, giày dép nhanh chóng đến tay khách hàng hơn.
Mặc dù kinh tế suy thoái, lạm phát tăng nhanh, doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2022, theo Bain & Company. Doanh thu của thị trường thời trang cao cấp toàn cầu tăng 22%, lên đến 353 tỷ EURO vào năm ngoái.
Doanh số của ngành hàng này dự kiến tăng 3-8% trong năm 2023, tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Mỹ vẫn là quốc gia tiêu thụ sản phẩm thời trang cao cấp lớn nhất thế giới, với mức doanh thu đạt 121 tỷ USD.
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực dệt may xa xỉ và sự giảm thiểu trong độ tuổi tiêu dùng mặt hàng này, các nhãn hàng nhanh chóng hợp tác với thần tượng tuổi teen đến từ Hàn Quốc - những hình mẫu của khách hàng thuộc thế hệ Alpha, Gen Z và Millennials.
Hợp đồng đại sứ đắt giá liên tục được ký kết nhằm thu hút sự chú ý của người dùng mục tiêu, bước đầu tấn công đối tượng khách hàng tiềm năng.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.
|