Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hương liệu - Tinh dầu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) chia sẻ về những hạn chế trong việc khác thác các nguồn nguyên liệu quý dùng cho sản xuất mỹ phẩm của Việt Nam cùng những hoạt động đang được triển khai để phát triển ngành kinh tế nhiều tiềm năng này.
Ts Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hương liệu - Tinh dầu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA)
Xin ông chia sẻ về thực trạng ngành hương liệu, tinh dầu và mỹ phẩm của Việt Nam hiện nay?
Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực vật có tinh dầu rất phong phú và dồi dào, có hàm lượng tinh dầu cao và chất lượng tinh dầu tốt, có nhiều hoạt tính sinh học quý. Các nguyên liệu này có khả năng sản xuất thành dược liệu, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu quý này chưa được chú trọng khai thác một cách hiệu quả, các vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đầu tư nên đều chỉ có quy mô nhỏ lẻ, chất lượng và sản lượng không ổn định khiến cho việc phát triển của ngành mỹ phẩm trong nước còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, với hơn 100 triệu dân, đứng thứ 15 thế giới về dân số, Việt Nam hiện đang là thị trường nhiều tiềm năng, hấp dẫn đối với nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm... Đặc biệt khi nền kinh tế phát triển ổn định, đời sống người dân ngày càng nâng cao, doanh số thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện khoảng gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm trong nước đang bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài.
Như vậy thời gian qua Việt Nam đã lãng phí nguồn tài nguyên quý giá từ nguyên liệu mỹ phẩm?
Những năm qua, Việt Nam đã có xuất khẩu nguyên liệu mỹ phẩm tới một số nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ, nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 500-800 triệu USD/năm.
Đối với ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước, Việt Nam hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, nhưng đa phần có quy mô nhỏ lẻ và chưa có thương hiệu mạnh, chỉ có 14 doanh nghiệp có quy mô khá lớn nhưng chỉ ở phân khúc giá rẻ và có xuất khẩu sang một số thị trường. Nhiều loại nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp này cũng phải nhập khẩu từ các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ…, do nguồn cung trong nước ít và chất lượng không ổn định. Do đó, VOCA đang nỗ lực và đặt kỳ vọng trong tương lai Việt Nam có thể thay thế khoảng 1 tỷ USD nguồn nguyên liệu và mỹ phẩm nhập khẩu, giúp giảm bớt mức thâm hụt thương mại trong ngành này.
Cụ thể những giải pháp VOCA sẽ triển khai để hiện thực hóa mục tiêu này là gì, thưa ông?
Trên thực tế Việt Nam có nhiều loại nguyên liệu mỹ phẩm quý hiếm mà nước khác không có, như trầm hương, đương quy, xá xị… Do đó, Việt Nam vẫn được lựa chọn là nguồn cung ưu tiên của nhiều công ty sản xuất mỹ phẩm trên thế giới. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư cho các vùng nguyên liệu để theo kịp với các yêu cầu của thế giới về các sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên.
Năm 2023, khi tham dự “Tuần lễ mỹ phẩm quốc tế Quảng Châu - Trung Quốc”, VOCA đã có bài thuyết trình về lợi thế của Việt Nam trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu (tinh dầu, dược liệu: lá, hoa, rể, thân, củ, hạt), vốn rất phong phú, đa dạng nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng suốt chiều dài của đất nước; cũng như nhu cầu sử dụng mỹ phẩm làm đẹp gia tăng, không chỉ đối với phụ nữ mà cả nam giới và người lớn tuổi.
Những thông tin này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm. Theo đó, vào ngày 8 và 9/5 tới, VOCA sẽ tổ chức diễn đàn “Kết nối giao thương ngành làm đẹp Trung Quốc và ASEAN” tại TPHCM. Diễn đàn thu hút khoảng 250 doanh nghiệp hóa mỹ phẩm tại Quảng Đông, Trung Quốc cùng với khoảng 150 doanh nghiệp tinh dầu, mỹ phẩm Việt Nam đăng ký tham dự.
Sau thời gian khá dài làm gia công cho các thương hiệu trên thế giới, hiện các doanh nghiệp mỹ phẩm Trung Quốc đã sẵn sàng tiến đến giai đoạn xây dựng thương hiệu và xuất khẩu. Điểm đến đầu tiên trong chiến lược “ra khơi” của mỹ phẩm Trung quốc chính là ASEAN và Việt Nam là cửa ngõ để tiến vào thị trường này.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các nguồn lực của các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi tại diễn đàn sắp tới, bên cạnh việc tìm kiếm nhà máy gia công đóng gói các đơn hàng phân phối ra thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, các doanh nghiệp Trung Quốc còn tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như: dầu dừa, dầu hạt chùm ngây, tinh dầu sả chanh, tinh dầu bạc hà… để phục vu cho việc sản xuất, xuất khẩu mỹ phẩm.
VOCA hy vọng sự kiện này sẽ mang lại những cơ hội hợp tác cũng như cơ hội học hỏi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển và khai thác tốt hơn nguồn nguyên liệu mỹ phẩm trong nước. Từ đó giúp cho ngành hương liệu, tinh dầu và mỹ phẩm trong nước có sự phát triển tốt hơn trong tương lai.
Xin cám ơn ông!