Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 3 thách thức lớn thương mại điện tử Việt Nam phải đối mặt
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết thương mại điện tử Việt Nam phải đối mặt 3 thách thức lớn bao gồm người tiêu dùng bị lọt, lộ thông tin cá nhân, hàng giả, hàng nhái và thất thu thuế.
 
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
 
Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều 4/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn đại biểu TPHCM), cho rằng, thương mại điện tử thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả.
 
Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường về quy mô, địa bàn hoạt động. Chưa kể, thương mại điện tử trên mạng xã hội phức tạp. "Bộ có giải pháp nào để phát triển thương mại điện tử lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và việc thu thuế trên thương mại điện tử, mạng xã hội thực hiện ra sao", ông hỏi.
 
Người tiêu dùng Việt đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân
 
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thương mại điện tử Việt Nam phải đối mặt 3 thách thức rất lớn.
 
Thứ nhất, người tiêu dùng phải đối mặt với việc mất an toàn dữ liệu cá nhân. Tiếp đó là hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ngoài ra, việc thất thu thuế không thể thừa nhận là còn tỷ lệ đáng kể. 
 
Về bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, ông Diên nêu có tình trạng lộ, lọt thông tin. Bộ đã nhận diện vấn đề này, tham mưu Chính phủ ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật.
 
Theo tư lệnh ngành công thương, luật này đưa ra nguyên tắc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Luật có hiệu lực từ 1/7, kỳ vọng khắc phục bất cập này.
 
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an trong việc xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quy định pháp luật, toàn diện trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.
 
Bộ cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
 
Tăng cường kiểm soát nguồn gốc hàng hóa
 
Về tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng thâm nhập vào thị trường, loại hàng hóa này ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh đến các doanh nghiệp trong nước.
 
Với vấn đề trên, Bộ Công Thương đề xuất thường xuyên khuyến nghị với người sản xuất với người sản xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập đồng thời đẩy mạnh thực hiện người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
 
Bộ cũng sẽ trình cấp thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Năm 2023, cổng này đã gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
 
Việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng và thương mại điện tử cũng được tiến hành thường xuyên. 
 
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó tách bạch hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.
 
Đồng thời, Bộ tăng cường kiểm soát chặt về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, kém chất lượng nhập qua thương mại điện tử.
 
Định danh điện tử người bán hàng để chống thất thu thuế
 
Một thách thức tiếp theo là việc thất thu thuế, Bộ trưởng Công Thương cho biết thực tế, doanh thu qua sàn thương mại điện tử đã giao dịch rất lớn, tới gần 21 tỷ USD. Vì vậy, việc nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê là gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022.
 
"Không thể phủ nhận thất thu thuế. Tuy nhiên, Bộ Công Thương thời gian qua tích cực phối hợp với ngành thuế, Bộ Tài chính, chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát", Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan.
 
Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong tháng 6 - trước thời gian Thủ tướng chỉ đạo.
 
Bộ Công Thương cũng tăng cường phối hợp Bộ Công an áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn thương mại điện tử để tăng cường quản lý chống thất thu thuế và cuối cùng là phối hợp Tổng cục Thuế để xử phạt các hộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh không công khai nộp thuế.