Chủ tịch Toyota Akio Toyoda lên tiếng xin lỗi sau bê bối gian lận quy mô lớn
Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi sau bê bối gian lận quy mô lớn trong các bài kiểm tra chứng nhận an toàn cho 7 mẫu xe, đồng thời tuyên bố tạm dừng sản xuất 3 mẫu Toyota.
Ngày 3/6, ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Toyota, đã lên tiếng xin lỗi sau bê bối gian lận quy mô lớn trong các bài kiểm tra chứng nhận an toàn cho 7 mẫu xe, đồng thời tuyên bố tạm dừng sản xuất 3 mẫu Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross tại nước này.
 
Thời gian qua, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản Toyota đã bị cáo buộc gian lận, làm giả kết quả kiểm tra khí thải, sử dụng dữ liệu không chính xác hoặc đã hết hiệu lực trong các bài kiểm tra va chạm, trong đó làm sai lệch thông tin khi kiểm tra các thiết bị an toàn như túi khí và mức độ hư hỏng của ghế ngồi trong các vụ tai nạn.
 
“Chúng tôi chân thành xin lỗi”, ông Toyoda vừa nói, vừa cúi đầu xin lỗi tại cuộc họp báo ở Tokyo.
 
Chủ tịch Toyota Akio Toyoda lên tiếng xin lỗi sau bê bối gian lận quy mô lớn trong các bài kiểm tra chứng nhận an toàn cho 7 mẫu xe. (Ảnh: AP)
Chủ tịch Toyota Akio Toyoda lên tiếng xin lỗi sau bê bối gian lận quy mô lớn trong các bài kiểm tra chứng nhận an toàn cho 7 mẫu xe. (Ảnh: AP)
 
Ông cho biết thêm, có thể công ty đã quá vội vàng thực hiện, thậm chí rút ngắn các bài kiểm tra trong thời điểm liên tục ra mắt các mẫu xe mới của Toyota. Dù cho rằng một số quy tắc chứng nhận kiểm tra có thể quá nghiêm ngặt nhưng ông Toyota nhiều lần khẳng định ông không dung thứ cho các vi phạm.
 
“Chúng tôi không phải một công ty hoàn hảo. Nếu chúng tôi thấy bất kỳ điều gì sai trái, chúng tôi sẽ lùi lại một bước và tiếp tục cố gắng sửa chữa”, ông Toyoda nói.
 
Hãng xe cũng tuyên bố tạm dừng sản xuất các mẫu ô tô Toyota Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross. Đây là 3 trong tổng số 7 mẫu xe bị cáo buộc phát hiện các vi phạm gian lận kiểm tra.
 
Dù vậy, Toyota vẫn khẳng định hành vi vi phạm của công ty không ảnh hưởng đến sự an toàn của những chiếc xe khách hàng đã mua, bao gồm cả các mẫu nhỏ gọn như Corolla cho đến những dòng xe cao cấp như Lexus.
 
Theo AP, vụ việc gian lận kiểm tra tại Toyota và các công ty thuộc tập đoàn của hãng là điều đáng xấu hổ đối với một nhà sản xuất ô tô luôn tự hào về sự tinh tế trong sản xuất và văn hóa doanh nghiệp, trao quyền cho người lao động để tạo ra những chiếc xe ngày càng tốt hơn trong suốt nhiều thập kỷ.
 
Cũng trong ngày 3/6, Tập đoàn Mazda công bố các vi phạm tương tự và đã dừng sản xuất hai mẫu xe là Mazda Roadster và Mazda 2. Công ty cho biết đã sử dụng phần mềm điều khiển động cơ không chính xác trong các bài kiểm tra nhưng không gây ảnh hưởng tới sự an toàn của các phương tiện.