Khâu đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó căn cơ là sự thoái trào của những lá cờ đầu như HAGL và nhiều nơi buông lỏng quản lý dẫn đến nỗi đau tiêu cực như ở Đồng Tháp.
Gặp vấn đề về tài chính
HAGL được xem là CLB đi đầu trong cả nước về việc đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp, ký hợp đồng đào tạo với trung tâm huấn luyện hàng đầu thế giới JMG. Thế nhưng, thời gian gần đây bầu Đức đã quyết định chấm dứt hợp đồng đào tạo với Học viện JMG - Arsenal. Các khóa đào tạo sau này nếu HAGL có tuyển sinh thì cũng chỉ do các HLV của CLB huấn luyện, chứ không còn sử dụng giáo trình chuẩn của Học viện JMG - Arsenal. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng cầu thủ bởi không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi. Nguyên Giám đốc điều hành CLB HAGL Huỳnh Mau chia sẻ: “Sau một thời gian dài hợp tác thì không ai muốn một sự kết thúc cả. Từ 2 năm nay, HAGL đã không còn hợp tác với JMG nữa. Lý do chuyên môn tự lên giáo án Việt hóa có lẽ chỉ là một phần vì đào tạo trẻ quan trọng là thầy nữa, và năng lực HLV Guillaume Graechen giỏi như thế nào ai cũng rõ. Tôi nghĩ cơ bản là vấn đề tài chính, khi hằng năm HAGL vẫn phải trả lương cho “thầy Giôm” và nhất là chi phí hợp tác với JMG toàn cầu”.
Bóng đá trẻ Đồng Tháp (phải) điêu đứng vì lứa cầu thủ dính tiêu cực năm 2019
Không chỉ HAGL mất đi vị thế ở công tác đào tạo trẻ mà Học viện Bóng đá PVF vốn rất uy tín của bầu Vượng lập ra cũng phải bán cho Tập đoàn giáo dục Văn Lang. PVF thu hút được tài trợ từ các quỹ đầu tư theo định hướng đào tạo trẻ phi lợi nhuận nên trước đây có nguồn kinh phí rất lớn, giúp lứa Đức Chinh, Tiến Dụng, Thanh Thịnh, Thái Quý, Minh Dĩ, Trọng Hóa... liên tục được xuất ngoại thi đấu ở Ý cũng như hệ thống các giải trẻ Đông Nam Á, thậm chí sang Nhật Bản thi đấu thường xuyên mỗi năm. Cách đầu tư mạnh mẽ đó giúp cho ra đời nhiều cầu thủ xuất sắc khoác áo U.20 Việt Nam ở vòng chung kết U.20 World Cup 2017. Khi Tập đoàn giáo dục Văn Lang tiếp nhận, đơn vị này đang có rất nhiều nỗ lực và mong muốn duy trì hệ thống đào tạo này nhưng do tình hình chung và những khó khăn do dịch bệnh nên quy mô đào tạo cũng bị ảnh hưởng, số lượng học viên trong năm nay có thể ra tập trung chỉ là 14 người, không thể nhiều như lúc trước.
Sự buông lỏng và cú sốc tiêu cực của Đồng Tháp
Nhiều năm qua cả miền Nam hầu như bị “trắng” bóng đá. Anh cả đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp từ lâu đã không còn cung cấp người cho các đội tuyển trẻ. Cần Thơ sau nhiều năm đổ bạc tỉ cho bóng đá trẻ không thành công đang đối mặt với nguy cơ rút khỏi giải hạng nhất. Đau đớn hơn, Đồng Tháp sa sút cả về chuyên môn lẫn quản lý khi thế hệ cầu thủ tài năng chưa kịp lớn đã sinh hư với 11 cái tên dính vào án bán độ bị FIFA treo giò toàn cầu.
Tại miền Trung, bóng đá trẻ của Huế từ lâu thoái trào, tương tự là Bình Định, Khánh Hòa... vì khó khăn trong tài chính và nhất là cách quản lý lạc hậu, kể cả SLNA, Thanh Hóa, Đà Nẵng đang chơi V-League. TP.HCM hàng chục năm qua rất ít có cầu thủ lên các đội tuyển quốc gia, đội trẻ có giải có thành tích ấn tượng nhưng cũng có giải không tạo được vị thế. Chuyên gia Đoàn Minh Xương chỉ ra một thực trạng là bóng đá trẻ Việt Nam thiếu đủ đường từ thầy, công nghệ, cơ chế đến cơ bản nhất là trang thiết bị và dinh dưỡng. Ông nhận định: “Ở Việt Nam ngoài điều kiện tập luyện thì dinh dưỡng trong đào tạo trẻ vẫn rất hạn chế và ít được quan tâm vì hầu hết “lò” vẫn duy trì và sử dụng ngân sách nhà nước. Thậm chí như cầu thủ SLNA bị chấn thương về ngâm nước muối, nằm dài... đắp lá. Chăm sóc các em thiếu và yếu như thế thì nói chi đến đào tạo văn hóa để các em có bản lĩnh bảo vệ mình trước những nguy cơ, cám dỗ rình rập xung quanh. Việc cả một lứa cầu thủ giàu tiềm năng của Đồng Tháp tham gia dàn xếp tỷ số ở vòng loại giải U.21 quốc gia năm 2019 cũng như giải hạng nhì thời điểm đó là một nỗi đau quá lớn. Lỗi trước tiên là của người lớn, từ các cấp quản lý đến những người nhận nhiệm vụ trồng người”.
Trung tâm PVF đã được bán lại sau nhiều năm cho ra lò những cầu thủ trẻ chất lượng
Thiếu chiến lược khoa học, đồng bộ
Nhìn vào vấn đề của những cánh chim đầu đàn như HAGL cho thấy thực tế công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm cho rằng câu chuyện bóng đá trẻ Việt Nam xét về căn cơ là bài toán định hướng của cả nền bóng đá vẫn chưa được xây dựng một cách khoa học, bài bản và đồng bộ tầm quốc gia. Việt Nam vẫn quen trông chờ hái “lúa trời”, cái nền vẫn chưa đủ rộng và vững. Khi ngân sách nhà nước không gánh nổi xây dựng hệ thống đào tạo trẻ bài bản thì vai trò của tư nhân mang tính sống còn. Nhưng rõ ràng không ít doanh nghiệp nhảy vào bóng đá vì ăn theo hiệu ứng hơn là có tâm huyết gắn bó và làm ra trò, lâu dài thực sự.
Từ 2 năm nay, HAGL đã không còn hợp tác với JMG nữa. Lý do chuyên môn tự lên giáo án Việt hóa có lẽ chỉ là một phần vì đào tạo trẻ quan trọng là thầy nữa... Tôi nghĩ cơ bản là vấn đề tài chính, khi hằng năm HAGL vẫn phải trả lương cho “thầy Giôm” và nhất là chi phí hợp tác với JMG toàn cầu.
Ông Huỳnh Mau, nguyên Giám đốc điều hành CLB HAGL
“Ở cấp thượng tầng, hệ thống bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại không dễ gì thay đổi ngày một, ngày hai vì thiếu sự đồng tâm hợp lực. Đơn cử như việc VPF đề xuất mỗi CLB V-League ra sân phải có một vài cầu thủ U.23 nhưng bất thành vì không thắng được sức ép thành tích từ các CLB. Những CLB như Hải Phòng nhiều năm vắng bóng các giải trẻ mà vẫn được du di cho qua. Quá khó khi trong Hội đồng quản trị VPF và Ban Chấp hành VFF có nhiều đại diện của các CLB đỉnh cao. Điều đó dẫn tới tầm nhìn dễ bị cuốn theo giá trị lợi ích, thậm chí phe nhóm trong khi việc lâu dài như trao cơ hội các cầu thủ trẻ bị coi là chuyện của người khác, thậm chí là rào cản”, ông Lâm nói.
Ngoài ra, theo ông Lâm, tại châu Âu, UEFA từ lâu đã tổ chức Champions League các đội trẻ. Bóng đá Thái Lan đã làm được hệ thống giải đấu trẻ ra sân hằng tuần song song với Thai-League, trong khi ở Việt Nam vẫn là bài toán nan giải.
Kinh phí vẫn chưa đầy đủ và ổn định
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, một nguyên nhân nữa khiến công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam hiện nay gặp khó khăn, đó là lương của HLV trẻ quá thấp, nhiều nơi chỉ từ 8 - 12 triệu đồng/tháng, trong khi họ phải xa gia đình, thường xuyên ăn ở để gần gũi và chăm lo cho các học trò đa phần đến từ các địa phương nghèo.
Còn theo Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa, khó khăn lớn nhất của làm bóng đá trẻ ở Việt Nam là kinh phí vẫn chưa đầy đủ và ổn định. Làm bóng đá trẻ một cách bài bản ngốn rất nhiều tiền trong khi ngân sách nhà nước không kham nổi. Như PVF kinh phí mỗi năm bỏ ra không thua gì nuôi một CLB chuyên nghiệp. Một lứa cầu thủ HAGL JMG như ngày xưa tốn của bầu Đức không biết bao nhiêu tiền. Như Đà Nẵng vài chục tỉ cấp cho bóng đá trẻ mà năm có, năm không, liên tục bị nâng lên hạ xuống trầy trật.