Tỷ giá VND/USD được dự báo mức tăng khoảng 4% năm nay.
Điều gì chi phối?
Tại Bản tin thị trường nợ tháng 1/2016, công ty chứng khoán MBS cho biết: “VND/USD có xu hướng hạ nhiệt nhẹ trong một tuần trở lại đây và không còn trong trạng thái căng thẳng sau khi NHNN áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới. Các NHTM đã đưa tỷ giá mua và bán VND/USD về trạng thái bình thường”.
Theo MBS, áp lực lên tỷ giá VND/USD trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ tăng lên khi USD được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trên thị trường tài chính thế giới khi FED tiếp tục lộ trình tăng lãi suất. Tỷ giá VND/USD liên ngân hàng và tự do giảm nhẹ trong hai tuần gần đây và trở về trạng thái giao dịch bình thường. Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do giảm khoảng 185 VND, đứng ở mức 22,430. Hiện tại, tỷ giá liên ngân hàng giao động quanh mức 22,495.
|
“Áp lực tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm âm lịch được kỳ vọng sẽ tăng khi đồng USD tăng trước động thái tăng lãi suất của FED và nhu cầu USD tăng lên vào dịp cuối năm. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng giảm hàng ngày một cách linh hoạt, phản ánh được thị trường một cách tốt hơn. Chúng tôi đánh giá NHNN đang hướng tới mục tiêu điều hành tỷ giá theo cơ chế thả nổi có kiểm soát.
“Vào ngày 07/01/2016, đồng NDT tiếp tục bị mất giá 0,51%. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của NHNN cũng đã giảm mạnh từ mức 37 tỷ USD ở quý 2 xuống 30,5 tỷ USD vào cuối quý 3 cho thấy áp lực tỷ giá vẫn tiếp tục xu thế căng thẳng. Bên cạnh đó, mới đây, NHNN cũng công bố cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm sẽ được điều chỉnh hàng ngày phù hợp với sự biến động của một rổ 8 đồng tiền có mối quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam trên cơ sở có sự can thiệp của Nhà nước tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô. Như vậy, sức ép lên tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới”- MBS nhận xét.
Tăng bao nhiêu thì hợp lý
Giá VND sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2016? Những ngày này, có dự báo VND từ 5-7%, thậm chí tới 10% trong năm nay? Trả lời câu hỏi này trong buổi giao lưu về đường đi của tỷ giá (Vneconomy tổ chức), TS Lê Xuân Nghĩa đã phân tích: Năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ. “Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố, có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 3%”, ông Nghĩa nói.
Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC thì nhận định rằng, thị trường tài chính thế giới trong năm 2016 chắc chắn vẫn tiếp tục biến động hết sức phức tạp, do đó chính sách tỷ giá của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt. Tỷ lệ mất giá của Việt Nam đồng trong năm 2016 chắc chắn sẽ cao hơn mức điều chỉnh tỷ giá thông thường hàng năm từ 1-2% như trước đây. “Tôi kỳ vọng đồng Việt Nam sẽ biến động không quá 4% trong năm 2016, trong điều kiện thị trường tài chính thế giới không có biến động mạnh so với thời điểm hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước nhiều ý kiến về việc nên thả nổi tỷ giá, ông Lê Xuân Nghĩa chỉ ra cơ chế tỷ giá hối đoái mới đã được áp dụng từ trước năm 2007. Tuy nhiên do lạm phát bùng phát từ năm 2008, cho nên cơ chế này bị loại bỏ. Hiện nay lạm phát đã ổn định, kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Vì vậy, cơ chế tỷ giá hối đoái mới sẽ được áp dụng lâu dài không phụ thuộc vào nhiệm kỳ Thống đốc mới.
Còn TS Trịnh Quang Anh, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá mới xuất phát từ yêu cầu khách quan mới do sự thay đổi bối cảnh hoạt động đặt ra. “Nó có lẽ không phụ thuộc vào sự thay đổi về bộ máy lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước (yếu tố chủ quan)”, ông Quang Anh nói.