Cách đây gần 3 năm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An Bùi Phú Hưng “phế” Chấp hành viên Võ Văn Xuân, đồng thời chọn cấp phó của ông Xuân là Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên tiếp tục tổ chức thi hành Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC (Phán quyết Trọng tài). Mục đích của việc “thay ngựa giữa dòng” là để giao cho Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất, với 232,66ha của Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát).
Đến nay đã gần 3 năm, thay vì xử lý đối với Quyết định số 07/QĐ-CTHADS có dấu hiệu trái luật, Cục trưởng Bùi Phú Hưng lại “trảm” Chấp hành viên Yên, thay bằng Chấp hành viên Lê Đức Thọ. Dù Chấp hành viên Yên đã “ra đi” nhưng Quyết định số 07/QĐ-CTHADS vẫn còn đó, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn đây, gây nỗi ám ảnh kinh hoàng cho chủ đầu tư, bởi mỗi tháng hàng chục tỷ đồng cứ lặng lẽ "ra đi". Dự án nghìn tỉ đã và đang có dấu hiệu bị Cục trưởng Bùi Phú Hưng lợi dụng việc thi hành án để làm cho tê liệt theo “kịch bản” của Công ty China Policy Limited (CPL), thể hiện sự xem thường pháp luật, bất chấp dư luận…
Một góc dự án đã triển khai
Kỷ lục 8 năm thi hành Phán quyết “3 sai”, thay 6 Chấp hành viên (!)
Ngày 4/11/2021, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng ký Văn bản số 06/TB-CTHADS “phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án”, nội dung: Quyết định thi hành án số 01/QĐ-CTHADS ngày 1/10/2014 của Cục THADS tỉnh Long An đã phân công Chấp hành viên trung cấp Đặng Hoàng Yên tổ chức thi hành án vụ Công ty Hồng Phát và CPL. Nay Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An phân công lại Chấp hành viên trung cấp Lê Đức Thọ tổ chức thi hành Quyết định thi hành án nêu trên kể từ ngày 4/11/2021”.
Về nhân sự tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài “3 sai”, ông Lê Đức Thọ là Chấp hành viên thứ 6 được “xướng tên”. Trước đó, đã có 5 Chấp hành viên của hai Cục THADS TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.
Theo hồ sơ chúng tôi có được: Việc thi hành Phán quyết Trọng tài lúc đầu do Cục THADS TP Hồ Chí Minh thực hiện từ ngày 29/10/2013, giao Chấp hành viên Bùi Bắc tổ chức thi hành. Ngày 9/12/2013, Chấp hành viên Bùi Bắc kí Văn bản số 2079/CTHA ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất, với 232,66ha của Công ty Hồng Phát.
Có lẽ Cục THADS TP Hồ Chí Minh đã nhận ra Phán quyết Trọng tài “3 sai” không thể thi hành trên thực tế nên ngày 18/8/2014, Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Loan đã kí Quyết định “ủy thác” cho Cục THADS tỉnh Long An “tiếp tục thi hành án”. Đã ủy thác nhưng Cục THADS TP Hồ Chí Minh vẫn giữ lại lệnh ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.
Tiếp nhận sự ủy thác, ngày 1/10/2014 Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An lúc này là ông Nguyễn Văn Gấu kí Quyết định số 01/QĐ-CTHA “thi hành án theo yêu cầu của CPL”. Cùng ngày, Cục trưởng Nguyễn Văn Gấu ký văn bản phân công Chấp hành viên Đỗ Văn Minh (Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An) tổ chức thực hiện Quyết định số 01/QĐ-CTHA.
Ngày 10/12/2014, Chấp hành viên Đỗ Văn Minh kí Văn bản số 162/CTHA ngăn chặn 219.622m2 đất (thuộc phần đất 232,66ha) của Công ty Hồng Phát nhằm đảm bảo cho việc thi hành án liên quan đến “phí trọng tài” 91.365,73 USD (khoảng 2 tỉ đồng) mà Công ty Hồng Phát phải nộp. Như vậy, phần diện tích 219.622m2 đất có 2 lệnh ngăn chặn cùng tồn tại (!?)
Ngày 6/1/2015, Chấp hành viên Bùi Bắc của Cục THADS TP Hồ Chí Minh kí văn bản giải tỏa ngăn chặn 232,66ha đất vì “xét thấy việc ngăn chặn là không cần thiết”. Tiếp đến, ngày 16/1/2015, Chấp hành viên Đỗ Văn Minh ký văn bản thu hồi Văn bản số 162/CTHA ngày 10/12/2014.
Sau đó, đích thân Cục trưởng Nguyễn Văn Gấu làm “Chấp hành viên” thay Chấp hành viên Đỗ Văn Minh thi hành Phán quyết Trọng tài “3 sai”. Đến ngày 12/9/2017, Cục trưởng Gấu chủ trì cuộc họp, thông báo việc phân công Chấp hành viên Võ Văn Xuân (Trưởng Phòng nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án Cục THADS tỉnh Long An), trực tiếp tổ chức thi hành án.
Chỉ 6 ngày được phân công, Chấp hành viên Võ Văn Xuân bất ngờ kí Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017 ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát. Đầu tháng 7/2018, ông Nguyễn Văn Gấu rời khỏi ghế Cục trưởng. Người được chọn thay ông Gấu giữ chức Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An là ông Bùi Phú Hưng, Phó Cục trưởng. Đến ngày 29/11/2018, Chấp hành viên Võ Văn Xuân kí Văn bản chấm dứt thi hành Công văn số 525/CTHA.
Ngày 18/12/2018, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí văn bản phân công Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên (Phó Phòng nghiệp vụ và Tổ chức thi hàn
h án Cục THADS tỉnh Long An) thay cho Chấp hành viên Xuân tổ chức thi hành án. Vừa được phân công, cùng ngày 18/12/2018 Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí ngay Quyết định số 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07), nội dung: “Tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 Quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết Trọng tài”.
Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 do Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí
Ngày 4/11/2021, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí văn bản phân công Chấp hành viên Lê Đức Thọ thay Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên tổ chức thi hành án.
Văn bản số 06/TB-CTHADS phân công chấp hành viên mới Lê Đức Thọ
Như vậy, sau hơn 8 năm thi hành Phán quyết Trọng tài “3 sai”, kết quả lớn nhất mà Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Cơ quan THADS đạt được chính là ra lệnh ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đât, nhằm “cấm vận” Công ty Hồng Phát triển khai Dự án. Trong khi hơn ai hết, Cục trưởng Bùi Phú Hưng biết rõ ngăn chặn, phong tỏa là sai, khiến hơn 2,32 triệu m2 đất trị giá nhiều nghìn tỉ đồng bị “làm xiếc” suốt 8 năm qua, gây lãng phí vô cùng tận. Việc ngăn chặn đã đẩy Công ty Hồng Phát vào đường cùng, dẫn đến nguy cơ phá sản do phải gánh chịu hàng loạt thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, chồng chất theo thời gian.
Dẫu biết rằng ngăn chặn là sai nhưng Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên vẫn cố tình làm vì nghĩ đã có chỉ đạo của cấp trên và có dấu hiệu được “chống lưng” nên bất chấp quy định của pháp luật. Tính đến nay, Quyết định 07 được ban hành đã 2 năm 10 tháng 27 ngày nhưng Cục trưởng Bùi Phú Hưng không chỉ đạo xử lý các bước tiếp theo (như áp dụng biện pháp cưỡng chế) cũng không chấm dứt việc ngăn chặn, mà “trảm” Chấp hành viên, rồi tiếp tục để “ngâm” khối tài sản trị giá nhiều nghìn tỉ đồng của Công ty Hồng Phát. Điều này càng minh chứng cho hành vi quyết làm sai đến cùng, bất chấp hậu quả…
Xuyên suốt khoảng thời gian 2 năm 10 tháng 27 ngày, dư luận báo chí cả nước liên tục phản ánh; nhiều chuyên gia pháp lý, Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, chỉ rõ Quyết định 07 được ban hành thể hiện dấu hiệu trái quy định của pháp luật; mang tính cố ý. Riêng Báo (nay là Tạp chí) Người Cao Tuổi và Tạp chí điện tử Ngày Mới đã có hàng chục bài, điều tra, phản ánh với đầy đủ tài liệu chứng cứ cũng như dẫn chiếu các điều khoản của pháp luật quy định. Phóng viên đã đến tận trụ sở Cục THADS tỉnh Long An đặt một loạt vấn đề cần được làm rõ cho Cục trưởng Bùi Phú Hưng.
Lộ rõ dấu hiệu sai phạm của Cục trưởng Bùi Phú Hưng
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí, thay vì phải khẩn trương xử lý hay kiến nghị cấp trên xem xét, thì Cục trưởng Bùi Phú Hưng giữ thái độ “im lặng”, rồi “ngâm” Quyết định 07 suốt gần 3 năm qua. Điều này thể hiện dấu hiệu muốn thách thức dư luận.
Theo sát vụ tranh chấp cùng với bộ hồ sơ tài liệu đã thu thập, chúng tôi có đủ căn cứ để chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan Cục trưởng Bùi Phú Hưng, cụ thể như sau:
Phán quyết Trọng tài giải quyết tranh chấp “Thoả thuận khung” giữa CPL và Công ty Hồng Phát liên quan đến Dự án “Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa” (Dự án), thể hiện rõ “3 sai”. Trong đó, cái sai mang tính sơ đẳng của Phán quyết Trọng tài khi ép buộc Công ty Hồng Phát và CPL phải thành lập “Công ty liên doanh”, là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp về “Quyền tự do kinh doanh”. Việc thành lập Công ty liên doanh phải dựa trên sự tự nguyện của các bên, không ai có thể ép buộc, hay làm thay. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến cho Phán quyết Trọng tài không thể thi hành do có dấu hiệu vi Hiến.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 12705/VPCP-V.I ngày 28/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc “kiểm tra, xem xét xử lý các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty Hồng Phát liên quan đến Phán quyết Trọng tài”, Bộ Tư pháp đã vào cuộc làm rõ và có Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ, kết luận 3 điểm rất rõ ràng, cụ thể. Đó là:
Thứ nhất, việc thực hiện nội dung Phán quyết Trọng tài do hiện nay pháp luật quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng nên rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế. Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay.
Thứ hai, không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát theo Điều 71 của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo quy định của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì sau khi kê biên, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản như: Thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản... Trường hợp, cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài.
Văn bản 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp (Trang 1)
Văn bản 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp (Trang cuối)
Văn bản số 123/BC-BTP được lãnh đạo Chính phủ thông qua tại Văn bản 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ, nội dung: “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp nêu tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An thực hiện việc thi hành án liên quan đến Công ty Hồng Phát theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có tranh chấp về việc góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa hai công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn các công ty khởi kiện tại TAND để giải quyết vụ việc thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Văn bản số 8248/VPCP-VI của Văn phòng Chính phủ
Chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã kí Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 gửi TAND TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Cục THADS tỉnh Long An “không thực hiện được Phán quyết Trọng tài”. Do TAND TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định công nhận Phán quyết “3 sai” nên Cục trưởng Hưng kiến nghị cơ quan này có “hướng dẫn xử lý, thông báo với các đương sự thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật”. Quyền của các đương sự chính là quyền được khởi kiện ra toà án khi có tranh chấp về việc góp vốn hay bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung cũng như các vấn đề khác có liên quan. Đây là chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I vừa nêu trên. Cục trưởng Hưng đã lĩnh hội và nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Văn bản số 458/CV-CTHADS. Đồng thời, Cục trưởng Hưng đã đặt vấn đề khởi kiện cho CPL tại cuộc họp ngày 17/10/2018.
Văn bản 458/CV-CTHADS do Cục trưởng Bùi Phú Hưng ký
Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07”
Với lương tâm, trách nhiệm của mình, lẽ ra, Cục trưởng Bùi Phú Hưng phải xử lý việc thi hành án theo quy định của pháp luật, tức là phải tiếp tục kí Văn bản đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC có ý kiến đối với Phán quyết Trọng tài “3 sai”, có dấu hiệu vi Hiến, không thể thi hành trên thực tế. Đằng này, có dấu hiệu Cục trưởng Hưng quay sang “hà hơi, tiếp sức” cho CPL, lấy lý do “thi hành Phán quyết Trọng tài” để có hành vi cản trở việc thực hiện Dự án, triệt hạ Công ty Hồng Phát bằng nhiều hình thức, rõ nhất là Quyết định 07 ngày 18/12/2018 do Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí và Quyết định số 06/QĐ-CTHADS (Quyết định 06) ngày 6/3/2019 do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07”.
Khi đặt bút kí ban hành Quyết định số 06, có dấu hiệu Cục trưởng Bùi Phú Hưng không chỉ xem thường sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, mà còn tự “mâu thuẫn với chính mình” khi đảo ngược hàng loạt văn bản do chính ông Hưng vừa mới kí trước đây. Ông Cục trưởng không chút “ngượng” khi cũng “xét thấy” Chấp hành viên kí Quyết định 07 “là cần thiết, để tạo thuận lợi cho Công ty Hồng Phát và CPL thỏa thuận thi hành Phán quyết Trọng tài” (?!).
Không hiểu ông Bùi Phú Hưng đã “xét thấy” được điều gì, khi mà trước đó, chính ông đã nhiều lần khẳng định: “Việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, kể cả Cơ quan THADS, không thể thực hiện thay các bên đương sự” (đây cũng là khẳng định của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS)? Rồi cũng chính ông Cục trưởng khẳng định: “Không thực hiện được Phán quyết Trọng tài” nên đề nghị các bên “khởi kiện ra toà án”?
Rõ ràng, đây là dấu hiệu có sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, mang tính cố ý của Cục trưởng Bùi Phú Hưng. Tài liệu mà nhóm phóng viên thu thập được cho thấy, việc ban hành hai Quyết định 07 và 06 theo chỉ đạo của cấp trên. Có lẽ Cục trưởng Bùi Phú Hưng nghĩ làm theo chỉ đạo nên không có gì phải sợ (?!).
Nhiều người, trong đó có Cục trưởng Bùi Phú Hưng đều thấy những mệnh lệnh, chỉ đạo đúng pháp luật sẽ được thực hiện là lẽ đương nhiên! Ngược lại, nếu những mệnh lệnh, chỉ đạo “có "vấn đề”, cụ thể như trong trường hợp này, việc tái lập ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát là trực tiếp chống lại quan điểm của Bộ Tư pháp thể hiện tại Văn bản số 123/BC-BTP; và đi ngược lại với chỉ đạo của Tổng cục THADS tại Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 16/11/2018. Trong khi, với trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị, Cục trưởng Bùi Phú Hưng phải tuân thủ theo Luật Cán bộ, công chức và các quy định pháp luật có liên quan, không thể ký tùy tiện.
Nên nhớ rằng, người ra Quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về Quyết định của mình. Cụ thể ở đây, là Quyết định 06 do chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07”. Do đó, Cục trưởng Bùi Phú Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong lần tái lập ngăn chặn này với vai trò chính yếu.
Và hàng loạt dấu hiệu sai phạm khác
Việc ban hành 2 Quyết định 07 và 06 lộ rõ dấu hiệu trái pháp luật, đã gây thiệt hại cho Công ty Hồng Phát hàng trăm tỉ đồng và đang tăng lên từng ngày. Đây là dấu hiệu sai phạm thứ nhất cũng là nghiêm trọng nhất. Ngoài ra, trong vụ thi hành án này, còn 7 sai phạm khác liên quan đến Cục trưởng Bùi Phú Hưng, cụ thể như sau:
Dấu hiệu sai phạm thứ hai: Phán quyết Trọng tài buộc hai doanh nghiệp lập Công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005. Trong khi Luật Đầu tư năm 2014 và 2020 đều không còn quy định hình thức lập Công ty liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài. Cục trưởng Bùi Phú Hưng biết rõ Phán quyết Trọng tài có dấu hiệu “3 sai”, không chỉ vi Hiến, mà còn bị “tắc” bởi Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) và Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Lẽ ra phải có văn bản đề nghị Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC và TAND TP. Hồ Chí Minh (nơi công nhận Phán quyết Trọng tài “3 sai”), có ý kiến về vấn đề này nhưng Cục trưởng Bùi Phú Hưng không làm, lại quay sang “cấm vận” Công ty Hồng Phát, triệt hạ Dự án theo yêu cầu của CPL.
Dấu hiệu sai phạm thứ ba: Phán quyết Trọng tài bị “vướng” Luật Đầu tư năm 2014, nhưng đến ngày 2/7/2020, Cục THADS tỉnh Long An mới có Văn bản số 273/CTHADS gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An đề nghị “hướng dẫn thành lập Công ty liên doanh”.
Ngày 8/7/2020, Sở KH&ĐT có văn bản gửi Cục THADS tỉnh Long An, “hướng dẫn” hai hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014. Ngày 11/6/2021, Sở KH&ĐT tiếp tục có văn bản “hướng dẫn” hai hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020. Tất cả hình thức đầu tư mà Sở KH&ĐT “hướng dẫn” có một điểm chung là hai bên phải có “thỏa thuận mới”. Trong khi CPL xác định mâu thuẫn với Công ty Hồng Phát kéo dài, không thể hòa giải. Chưa hết, suốt nhiều năm qua, CPL xem Hồng Phát là đối nghịch, có dấu hiệu luôn bày mưu tính kế hãm hại, khiến Dự án bị “cấm vận” toàn diện, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng. Bởi đích ngắm cuối cùng của CPL là muốn “chia 130ha đất”, thì làm sao có “thỏa thuận mới”? Và nếu hai bên có “thoả thuận mới” thì trái với Phán quyết Trọng tài.
Tại thời điểm tháng 10/2018, sau khi kí văn bản gửi TAND TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Bùi Phú Hưng có văn bản gửi Sở KH&ĐT đồng thời xử lý quyết liệt việc Phán quyết Trọng tài không thi hành được, thì chắc chắn không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như hiện tại.
Dấu hiệu sai phạm thứ tư: Phán quyết Trọng tài không giải quyết tranh chấp về tài sản nên không có nội dung nào yêu cầu ngăn chặn tài sản. Quyết định thi hành án của Cục THADS tỉnh Long An cũng không có nội dung nào đề cập đến việc xử lý tài sản của Công ty Hồng Phát. Chấp hành viên kí Quyết định 07 ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất của Hồng Phát là không đúng phạm vi, đối tượng thi hành án, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về THADS. Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07”, thể hiện dấu hiệu đồng tình, ủng hộ thuộc cấp làm sai.
Dấu hiệu sai phạm thứ năm: Toàn bộ 232,66ha đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty Hồng Phát, được pháp luật công nhận. Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” ngăn chặn quyền sử dụng toàn bộ 232,66ha đất này đã trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của Công ty Hồng Phát được bảo vệ bởi Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư cùng các quy định pháp luật khác có liên quan.
Dấu hiệu sai phạm thứ sáu: Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên nhận thức rõ Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” đã ngăn chặn Công ty Hồng Phát thực hiện quyền góp vốn bằng giá trị 13 Quyền sử dụng đất vào Công ty liên doanh. Khi bị ngăn chặn, 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát cũng không đủ điều kiện để góp vốn vào liên doanh theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013.
Thi hành Phán quyết Trọng tài để hai bên đàm phán, lập Công ty liên doanh nhưng chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên đã ngăn chặn việc lập liên doanh bằng Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07”.
Dấu hiệu sai phạm thứ bảy: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 69 Luật THADS năm 2014 “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra Quyết định “áp dụng biện pháp cưỡng chế”; tiếp theo là xử lý tài sản. Trên thực tế, nếu thực hiện việc cưỡng chế, xử lý tài sản của Hồng Phát thì lại trái với nội dung Phán quyết Trọng tài. Chính vì thế nên có dấu hiệu Cục trưởng Bùi Phú Hưng “bật đèn xanh” cho Chấp hành viên "ngâm” Quyết định 07 để đến nay đã 2 năm 10 tháng 27 ngày vẫn không thực hiện các bước tiếp theo, mà cũng không ra Quyết định chấm dứt ngăn chặn. Việc “ngâm” Quyết định 07, đồng nghĩa với “ngâm” khối tài sản trị giá nhiều nghìn tỷ đồng của Công ty Hồng Phát, bất chấp quy định của pháp luật.
Dấu hiệu sai phạm thứ tám: CPL yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An ra lệnh ngăn chặn 232,66 ha đất không phải để thực thi Phán quyết Trọng tài mà nhằm ý đồ khác. Bằng chứng là sau khi Quyết định số 07 được ban hành, CPL trở mặt, muốn vô hiệu hoá Phán quyết Trọng tài, khai tử Dự án, bằng việc ra yêu sách “đòi chia 130 ha đất”, cắt ra từ 232,66 ha đất của Công ty Hồng Phát. Suốt gần 3 năm qua, CPL trước sau chỉ muốn chia và chia 130ha đất, hoàn toàn không muốn thi hành Phán quyết Trọng tài. Cục trưởng Bùi Phú Hưng không có biện pháp xử lý một loạt hành vi của CPL, cụ thể như không thi hành Phán quyết Trọng tài, đòi khai tử Dự án, yêu cầu chia 130ha đất…Chẳng những không xử lý, Cục trưởng còn “tình thương mến thương”, ra mặt “chiều” theo CPL hết mình vì sợ doanh nghiệp đến từ “thiên đường thuế, chuyển tiền lậu, đầu tư chui” đâm đơn “khởi kiện quốc tế” (!?).
Có dấu hiệu sợ CPL, Cục trưởng Bùi Phú Hưng quay sang “cấm vận”, phong tỏa toàn bộ 232,66ha đất của Công ty Hồng Phát, mặc dù biết rõ Cục THADS tỉnh Long An không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát.
Trong các văn bản mới nhất gửi lãnh đạo tỉnh Long An, đại diện Công ty Hồng Phát chỉ rõ Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ riêng hai khoản lãi suất và bồi thường về đất, Công ty Hồng Phát đã gánh chịu thiệt hại gần 900 tỉ đồng. Với hơn 1.000 tỷ đồng đã đầu tư vào Dự án, Công ty Hồng Phát ngày từng ngày, phải gồng mình gánh chịu thiệt hại chồng chất. Không chỉ chủ đầu tư gánh chịu thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” còn tiếp tay cho CPL bóp chết Dự án, chống phá nền kinh tế, gây lãng phí vô tận về nguồn tài nguyên quốc gia, làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường đầu tư, cũng như an ninh chính trị tại địa phương…
Đại diện Công ty Hồng Phát bức xúc: “Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” được ban hành đến nay đã gần 3 năm nhưng ông Cục trưởng Bùi Phú Hưng vẫn cho duy trì, nhằm giúp CPL đạt được mục đích “đòi chia đất”. Trong khi đó, ông Cục trưởng tỏ thái độ thờ ơ, thậm chí vô cảm trước sự kêu cứu đến tuyệt vọng của Công ty Hồng Phát, cũng như bất chấp hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã bày ra trước mắt từ hai Quyết định 07 và 06…”.
Kiến nghị của Tạp chí Người Cao Tuổi và Tạp chí Ngày Mới
Bức xúc của Công ty Hồng Phát là chính đáng. Chưa bàn đến Quyết định 07 đúng hay sai, việc Cục THADS tỉnh Long An đã ra lệnh ngăn chặn tài sản của Công ty Hồng Phát thì phải ra Quyết định cưỡng chế kê biên và thực hiện các bước tiếp theo. Nếu không có căn cứ để cưỡng chế thì buộc Cục THADS tỉnh Long An phải chấm dứt lệnh ngăn chặn, được quy định rõ tại khoản 4, Điều 69 Luật THADS. Do đó, Công ty Hồng Phát có đầy đủ căn cứ để yêu cầu chấm dứt thực hiện Quyết định 07 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, cũng là giảm nhẹ trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan.
Viện KSND tỉnh Long An đã theo dõi sát vụ thi hành án này. Được biết, Viện KSND tỉnh Long An đã từng có văn bản yêu cầu Chấp hành viên thu hồi Quyết định 07, nhưng sau đó rút lại yêu cầu này, để Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” được Cục THADS tỉnh Long An “ngâm” suốt gần 3 năm. Đề nghị Viện KSND tỉnh Long An, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cục THADS tỉnh Long An liên quan quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công ty Hồng Phát đối với việc thi hành án; trong đó yêu cầu làm rõ căn cứ pháp lý ban hành Quyết định 07? Việc “ngâm” Quyết định số 07 suốt gần 3 năm qua đúng hay sai, dựa vào cơ sở pháp lý nào?
Các hình ảnh cho thấy Dự án đang chịu hậu quả nghiêm trọng từ Quyết định 07 và Quyết định 06
NHÓM PVĐT/ Theo Ngày Mới Online
Tuy tư duy hệ thống và tư duy thiết kế đều là những công cụ hữu ích để giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định, nhưng chúng có những điểm khác biệt cơ bản.
Kaizen và Design Thinking là hai phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng lại có những điểm tương đồng đáng kể, đặc biệt khi chúng được áp dụng trong quá trình sáng tạo và cải tiến.
Ngày 12/10/2024 vừa qua, tại Nhà hát Quân Đội – Thành phố Hà Nội, thương hiệu Bún ốc Bà Ngoại đã vinh dự nhận được 2 danh hiệu cao quý "Top 5 Tinh Hoa Ẩm Thực Hàng Đầu Việt Nam và Người Sáng Lập Thương Hiệu Ẩm Thực Nổi Tiếng Quốc Gia - Bún Ốc Bà Ngoại" do Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học & Chứng Nhận Phù Hợp Tiêu Chuẩn Quốc Gia phối hợp cùng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Doanh Nhân Việt Nam – Asean trao tặng. Đây là một trong những phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp đối với ngành ẩm thực dân gian, đặc biệt là nâng tầm món Bún Ốc Nguội của bà chủ thương hiệu - Nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền.
Vào ngày 12/10/2024, sự kiện công bố các thương hiệu uy tín hàng đầu tại Việt Nam đã diễn ra tại Nhà hát Quân Đội, Hà Nội. Học viện Đào tạo TUM (TUM) đã vinh dự nhận danh hiệu TOP 10 thương hiệu uy tín hàng đầu Việt Nam, khẳng định chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực du học, đào tạo và di trú toàn cầu.
Ngày 12 tháng 10 năm 2024 vừa qua, tại Nhà hát Quân đội, thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Công Nghệ Môi Trường Vitosa Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương Hiệu Uy Tín Hàng Đầu Việt Nam. Sự kiện này không chỉ tôn vinh những nỗ lực và bản lĩnh kiên cường của doanh nghiệp, mà còn ghi nhận khả năng thích ứng và chuyển đổi số mạnh mẽ trong bối cảnh đầy thách thức. Vitosa cũng được đánh giá cao về cam kết đảm bảo chính sách lao động và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
Chuỗi nhà hàng ở Anh, được Stephen và Juliette Wall thành lập vào năm 2005 sau khi đến Việt Nam và yêu thích món phở, đã nộp đơn xin hủy nhãn hiệu này vì vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Liễu đại gia vốn là một nữ thương gia có tiếng trong việc buôn bán đa ngành liên quốc gia. Ở tuổi 46, Liễu đại gia nắm trong tay khối tài sản khổng lồ và sau những thành công kinh doanh, dường như ...
Đời người có rất nhiều chuyện, ở chỗ u minh đã tự có sắp đặt, một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng nhận định.
Để phòng trường hợp chiến tranh hạt nhân hay thảm họa xảy ra, Mỹ đã chế tạo ra máy bay "ngày tận thế", được trang bị đầy đủ để chính phủ Mỹ có thể duy trì hoạt động.
Liễu đại gia vốn là một nữ thương gia có tiếng trong việc buôn bán đa ngành liên quốc gia. Ở tuổi 46, Liễu đại gia nắm trong tay khối tài sản khổng lồ và sau những thành công kinh doanh, dường như ...
Đời người có rất nhiều chuyện, ở chỗ u minh đã tự có sắp đặt, một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng nhận định.
Để phòng trường hợp chiến tranh hạt nhân hay thảm họa xảy ra, Mỹ đã chế tạo ra máy bay "ngày tận thế", được trang bị đầy đủ để chính phủ Mỹ có thể duy trì hoạt động.
Trong quý I/2016, Thái Lan vượt qua Hàn Quốc, Trung Quốc trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ô tô cho Việt Nam với hơn 7.800 chiếc, tăng 64,5%.
Công nghệ an toàn cho xe hơi ngày nay không chỉ tập trung vào việc bảo vệ người lái và người ngồi trong xe khi xảy ra va chạm, mà còn giúp ngăn ngừa va chạm; đồng thời giúp tài xế tập trung hơn, lái ...