Tháng 8/2015, Samsung cho ra mắt dịch vụ thanh toán điện tử với tên gọi Samsung Pay, cho phép người dùng thanh toán bằng thiết bị động của hãng tại các máy hỗ trợ thẻ tín dụng. Hiện sản phẩm này đã được ra mắt tại Hàn Quốc và Mỹ, song đại gia này cũng tỏ ý quan tâm đến thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam - một trong những trung tâm sản xuất của Samsung, đồng thời sở hữu cộng đồng đông đảo sử dụng điện thoại thông minh.
Sony dù ít ưu thế hơn ở mảng điện thoại thông minh nhưng cũng đang dồn lực cho lĩnh vực công nghệ thanh toán trên điện thoại di động. Với sản phẩm mục tiêu là Felica sử dụng một con chip tích hợp trong điện thoại hoặc gắn trong một chiếc thẻ nhựa, hãng công nghệ Nhật Bản có kế hoạch triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc cho ngành giao thông công cộng trên toàn châu Á.
Sau Nhật Bản, Hong Hong (Trung Quốc) và Indonesia, đại diện hãng cho biết Việt Nam sắp tới có thể là điểm đến tiếp theo để triển khai hệ thống thẻ thanh toán xe buýt ở một số thành phố lớn, sau khi chính phủ Nhật Bản cung cấp 200.000 thẻ như một phần của kế hoạch viện trợ phát triển tại quốc gia này.
Việt Nam là một trong những thị trường phát triển thanh toán điện tử tiềm năng nhất so với các nước khác ở châu Á. (Ảnh: Internet) |
Theo các chuyên gia, sự phát triển của thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến chính là động lực thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, thu hút các nhà đầu tư ngoại tới Việt Nam. "Dữ liệu về số dân đang sở hữu điện thoại thông minh là một cơ sở thú vị để kỳ vọng vào sự đón nhận nhanh chóng những công nghệ thanh toán mới tại Việt Nam", ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhận xét.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 40% dân số Việt Nam đang sử dụng internet, trong đó đa phần sử dụng điện thoại thông minh để truy cập. Đáng chú ý, 60% số thuê bao di động đang sử dụng điện thoại cho việc mua hàng trực tuyến. Nghiên cứu mới đây nhất của Ken Research cho hay tổng doanh thu các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2019, so với mức khoảng 4 tỷ USD hiện nay.
"Chúng ta đang chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử khi người tiêu dùng Việt Nam đang dần hưởng ứng với sự tiện nghi, giá cả cạnh tranh, và sự đa dạng của hàng hoá bán trên mạng", ông Preston cho biết. Riêng tại Visa, vị này ghi nhận các giao dịch thương mai điện tử bằng sản phẩm hãng đạt mức tăng trưởng hàng năm lên đến 44% - cao nhất khu vực. Khả năng thâm nhập thị trường của thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đạt 18%, cao nhất so với các đối thủ khác trong khu vực.
Thanh toán điện tử cũng không chỉ dừng lại ở việc mua sắm trực tuyến các hàng hóa tiêu dùng giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với doanh nghiệp mà còn bao gồm khối lượng lớn giao dịch giữa cá nhân hoặc doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước trong việc thanh toán dịch vụ như hóa đơn điện tử, nộp thuế, đăng ký - gia hạn các loại giấy phép…
"Việt Nam là một trong những thị trường phát triển thanh toán điện tử tiềm năng nhất so với các nước khác ở châu Á do chứa đựng các yếu tố như: quốc gia có mức tiêu thụ lớn, dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, số đông người dân vẫn sử dụng tiền mặt trong thanh toán", ông Tomoaki Yamaguchi - Trưởng đại diện - Giám đốc quốc gia Văn phòng đại diện JCB International (Thái Lan) Co., Ltd tại Hà Nội nhận định.
Đồng quan điểm, bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội nhận định Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn cho các công ty nước ngoài trong mảng thanh toán điện tử. "Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang rất phố biến trên thế giới, đặc biệt là nền tảng thanh toán trên điện thoại di động. Bản thân thị trường thanh toán điện tử toàn cầu đang tăng trưởng nhanh và Việt Nam thì ngày càng phát triển hơn", bà nói.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất cơ quan quản lý cần thiết lập các chính sách cụ thể và kịp thời cho các giải pháp quản lý không dùng tiền mặt để phát triển những điều kiện thuận lợi về thị trường và đem lại lợi ích cho người dân ở cả thành thị và nông thôn./.