NSƯT Trần Hạnh sinh năm 1929 là một nghệ sỹ sân khấu và truyền hình Việt Nam. Ông nổi tiếng với các vai ông bí thư đảng ủy trong phim "Làng nổi", bố An trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em”,...
Mặc dù là người Hà Nội gốc nhưng Trần Hạnh nhẵn mặt trên truyền hình với đa phần các vai diễn nông dân. Không hóa thân thành lão nông thì ông lại sắm một vai gì đó khắc khổ, thương cảm. Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Nhưng vài chục năm trôi qua, Trần Hạnh vẫn dậm chân tại chỗ.
Báo Zing News đưa tin, NSƯT Trần Hạnh không tị nạnh, không thắc mắc, không tranh luận về những điều chưa suôn sẻ trong đời, trong nghề. Với ông, được sống đã là vui, được làm nghề đã là may mắn.
NSƯT Trần Hạnh trong phim "Bão qua làng" |
NSƯT Trần Hạnh lấy vợ sớm, khi mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Một hôm ông nhận được điện khẩn cấp: Về ngay, mẹ sắp mất. Về đến nhà, hóa ra, mẹ vẫn bình yên, vấn đề lớn liên quan đến ông đó là gia đình, đứng đầu là bà nội, ép ông cưới cô hàng xóm cùng ngõ. Viện đủ lý do không được, sau ba ngày phép, Trần Hạnh trở thành người có gia đình.
Thế nhưng đến giờ chính NSƯT Trần Hạnh cũng không ngờ, hai con người cùng cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thuở nào lại sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Được biết, NSƯT Trần Hạnh là người chiều vợ, chiều con. Mỗi khi vợ thích ăn phở, ông đến đúng quán mà bà thích mua mang về. Ngày vợ bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, lúc nào ông cũng dậy từ 5 – 6h sáng, tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, quét tước nhà cửa, thu dọn chăn màn, vệ sinh cho bà. Nhiều đêm trở trời, lo bà mất ngủ ông trằn trọc suốt đêm.
NSƯT Trần Hạnh có 7 người con, trong đó hai người con ông thương nhất là con trai út, sau tai nạn xe máy đầu óc không được bình thường khiến ông từng vất vả chăm sóc nhiều năm, nay đã hơn 40 tuổi vẫn chưa vợ con. Người nữa là cô con gái qua đời ở nước ngoài, chính ông phải lặn lội sang tận nơi mang tro cốt của con về.
Ngoài đời, NSƯT Trần Hạnh không khác những vai diễn là mấy, vẫn dáng vẻ hiền lành, khắc khổ như từ “thời bao cấp”
Anh con trai trưởng đã có gia đình riêng và sống ngay sát cổng nhà ông để tiện bề chăm sóc khi ông trái gió trở trời. Đông con là thế nhưng mỗi người một nơi, các cô con gái của ông cũng phải lo phận nhà chồng. Hiện tại, người nghệ sĩ đã 87 tuổi vẫn giúp con bán hàng tạp hóa, lúc thong thả thì ngồi quán trà quen, đầu đội mũ len, rụt cổ trong chiếc áo cũ. Ai qua đường bất chợt nhận ra ông là “người nổi tiếng”, ông chỉ xua tay: “Các bác nhầm rồi, tôi giống người ta thôi!”.
NSƯT Trần Hạnh cho biết, kể từ ngày vợ mất, ông gần như quên Tết. Bánh chưng, kẹo mứt đã có con cháu mang đến thắp hương, nhà lại chỉ hai bố con sống, nên không muốn bày biện gì nhiều. Ông nói: “Mỗi năm, cứ đến cái đận gần Tết này lại buồn. Hồi bà ấy còn, chiều 30 nào tôi cũng chở đi chợ hoa. Nhà nghèo khó thì Tết đến, thể nào bà ấy cũng cắm một lọ hoa đủ loại cúc, hồng, thược dược, lay ơn… thật đẹp”, theo thông tin từ báo Tiền Phong.
Đi gần hết cuộc đời, NSƯT Trần Hạnh đã an lòng với tất cả những gì mà số phận đã sắp đặt cho mình. Ông chia sẻ, “Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Mình không thay đổi được thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau”.
Hòa Lê