Với quan điểm nhân đạo trong chính sách xử lý người phạm tội của Nhà nước ta hiện nay cùng với xu hướng văn minh của thế giới thì việc nghiên cứu tiếp tục giảm quy định áp dụng hình phạt tử hình và hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tử hình là cần thiết. Vậy nên, một trong những điểm quan trọng trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận là quy định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh. Liên quan đến án tử hình đối với tội phạm tham nhũng hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đồng ý với việc bỏ án tử hình đối với nhóm tội về tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định nhằm góp phần thực hiện chủ trương nhân đạo theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và cũng phù hợp với xu thế của thế giới. Ngoài ra, mục đích chính của quy định này là nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Bên cạnh đó, quy định này không chỉ cho phép người bị kết án có cơ hội giữ lại mạng sống mà còn giúp các cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí (đây là vấn đề nhức nhối hiện nay).Tiến sỹ Luật học Đỗ Đức Hồng Hà - Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, không phải cứ tử hình nhiều mà tội phạm giảm mà phải có nhiều biện pháp khác: “Theo tôi có mấy nguyên nhân đó là theo tinh thần cải cách tư pháp, ngoài ra Hiến pháp cũng đã ghi nhận quyền con người. Điều quan trọng nữa là thu hồi tài sản tham nhũng sau kết án rất ít. Tôi cho rằng tập trung vào truy thu, thu hồi được tài sản tham nhũng, để người phạm tội cơ hội nộp lại khoản tiền tham ô chứ tử hình rồi khó thu hồi tài sản”.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại cho rằng, với tình trạng tham nhũng phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay thì việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng là rất cần thiết. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự sửa đổi cần góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh này. Trong bối cảnh đó, việc đặt vấn đề loại bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội này là không phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với quan chức tham nhũng.
Theo Luật sư Lê Đăng Tùng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tham nhũng không chỉ làm thất thoát tiền của nhà nước, của nhân dân mà còn làm đảo lộn mọi giá trị xã hội và phá vỡ trật tự trong các cơ quan nhà nước. Với hậu quả nghiêm trọng như vậy của hành vi này gây ra thì cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình.
“Theo tôi chưa thể bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng. Bởi chống tham nhũng ở nước ta vẫn là vấn đề bức xúc, trong những năm gần đây vẫn còn nhiều vụ tham nhũng lớn, hàng nghìn tỷ đồng. Mục đích hình phạt trừng trị nằm trong nội hàm của tội đấy cho nên trong điều kiện hiện nay là chưa thể bỏ được”, Luật sư Lê Đăng Tùng nêu ý kiến.
Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Ảnh: Ngọc Thành) |
Dư luận lo ngại, nếu khắc phục hậu quả, chịu khó nộp tiền mà thoát được án tử hình thì vô hình chung đây là phao cứu sinh cho kẻ phạm tội. Tội phạm tham nhũng sẽ dùng chính tiền tham nhũng trục lợi được để nộp phạt. Về vấn đề này, ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng việc thu hồi được tài sản tham nhũng và việc trừng phạt tội phạm tham nhũng là hai vấn đề khác nhau và đều quan trọng như nhau.
“Theo tôi, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, tôi nghĩ chưa thể bỏ hình phạt tử hình được. Nhiều khi tử hình cũng chính là hình thức nhân đạo đối với kẻ phạm tội. Tôi cho rằng hai việc thu hồi tài sản do tham nhũng và trừng trị kẻ phạm tội tham nhũng là hai vấn đề khác nhau, không đồng nhất. Rõ ràng tài sản của dân, nhà nước mất thì phải tìm mọi cách thu hồi, còn kẻ tham nhũng phải trừng trị. Trong luật, quy định mục đích của hình phạt không phải trừng trị mà còn giáo dục cải tạo người phạm tội”, ông Phàn phân tích.
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các chuyên gia, được xem là dự thảo Bộ luật quan trọng, ảnh hưởng tới việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trên các lĩnh vực của đời sống,vì vậy, những ý kiến đóng góp sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện Bộ luật này./.