Ông Trịnh Văn Quyết, CTHĐQT FLC trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục là cổ phiếu của các đại gia trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản và một số cổ phiếu mía đường.
Cổ phiếu FLC và ROS của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục tăng giá giúp doanh nhân này lấy lại vị trí giàu nhất trên thị trường chứng khoán sau hơn 2 tháng từ tay ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Ông Quyết và ông Vượng hiện được xem là các tỷ phú USD Việt.
Cổ phiếu ROS tăng không mạnh nhưng đều đặn và liên tục trong 8 phiên vừa qua lên 94.600 đồng/cp. Trong khi FLC cũng tăng 3 phiên liên tiếp lên 7.170 đồng/cp. Ông Quyết hiện nắm giữ gần 320 triệu cổ phần ROS, hơn 124 triệu FLC và 630 ngàn ART. Khối lượng cổ phiếu này giúp ông Quyết sở hữu khối tài sản cổ phiếu quy ra tiền đạt hơn 31 ngàn tỷ đồng, vừa đủ để vượt qua ông Phạm Nhật Vượng.
Trước đó, cổ phiếu ROS từng lên tới 160 ngàn đồng/cp trước khi sụt xuống dưới 80 ngàn đồng/cp. Doanh nghiệp xây dựng của ông Trịnh Văn Quyết có quy mô vốn hơn 4,7 ngàn tỷ. Cổ phiếu có giá trị sổ sách chưa tới 12 ngàn đồng/cp.
Trong khi ROS biến động mạnh thì cổ phiếu VIC của nhà ông Phạm Nhật Vượng khá ổn định ở mức khoảng 43 ngàn đồng/cp. Ông Vượng có tổng tài sản quy ra từ gần 724 triệu cổ phiếu VIC đạt gần 31 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, vợ ông Vượng cũng đang nắm giữ số cổ phiếu VIC trị giá 5,3 ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen nhà ông Lê Phước Vũ đi ngược dòng thị trường trong phiên giao dịch đầu tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch) nhờ khối ngoại đổ gần 25 tỷ đồng mua ròng.
Cổ phiếu ngành xây dựng HBC của Xây dựng Hòa Bình cũng ngược dòng thị trường tăng khá mạnh. Cho dù cổ phiếu này bị khối ngoại bán ròng nhưng dòng tiền nội đang đổ vào cổ phiếu này với kỳ vọng sẽ được được chọn trong lần review ETF quý 3. HBC cũng được nhiều cổ đông nội bộ mua vào mạnh và gần đây trúng thầu nhiều dự án, trong đó có Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và một loạt các dự án của tập đoàn BRG, MIK Group, VinGroup trị giá hàng ngàn tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long cũng tăng điểm ngoạn mục trong bối cảnh thị trường giảm hơn 7,5 điểm. Cổ phiếu HPG vẫn đang ở xung quanh đỉnh mọi thời đại và ông Long vẫn giàu chưa từng có nhờ một thị trường bất động sản và xây dựng sôi động. HPG hiện là doanh nghiệp thép xây dựng và ống thép có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Trong nhóm ngân hàng, đa số giảm giá. Tuy nhiên, VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng cũng ngược dòng khá ấn tượng lên 36 ngàn đồng (vẫn thấp hơn giá chào sàn 39 ngàn đồng/cp). ACB của ông trùm một thời Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) vững giá, SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) giữ vững thành quả sau một thời gian tăng mạnh trước đó.
Với sự hồi phục ấn tượng của cổ phiếu ACB, Bầu Kiên dù đang ở tù nhưng vợ chồng ông vẫn kiếm hàng trăm tỷ nhờ cổ phiếu tăng giá đều đặn trong các năm qua.
Ở chiều ngược lại, có tới khoảng 60% số cổ phiếu trên sàn giảm giá. Trong đó, nhiều cổ phiếu nóng giảm sàn như: HAI, HAR,...
Cổ phiếu trụ cột Sabeco (SAB) giảm mạnh sau phiên tăng trước đó đã nhấn chìm thị trường. Vinamilk (VNM) cũng giảm điểm.
Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. F&N Dairy Investments Pte. Ltd của Thái, cổ đông lớn của Vinamilk vừa đăng ký mua hơn 14,51 triệu cổ phiếu VNM để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 17%.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời chưa hề giảm nhất là ở trong tháng “cô hồn” khi mà nhiều nhà đầu tư không muốn bỏ tiền đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, VN-index giảm 7,53 điểm xuống 761,26 điểm; HNX-Index giảm 0,26 điểm xuống 100,87 điểm. Upcom-Index giảm 0,13 điểm xuống 54,13 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 3,6 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.