Chiều nay (14/8), UBND tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn FLC, Hà Nội sẽ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Bình, trong đó có dự án một chuỗi 10 sân golf với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Việc tỉnh nghèo Quảng Bình kêu gọi đầu tư 10 sân golf ven biển đang có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình ủng hộ, nhưng đa số ý kiến đề nghị nên thận trọng đối với vấn đề này.
Quảng Bình kêu gọi đầu tư 10 sân golf ven biển (Ảnh minh họa: KT) |
Vùng được chọn xây dựng chuỗi sân golf là dải cát ven biển từ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, hoặc từ xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh đến xã Hồng Thủy, hoặc xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình khẳng định, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển du lịch.
Theo ông Phúc, nhà đầu tư chọn vùng cát ven biển từ huyện Quảng Ninh đến huyện Lệ Thủy để xây sân golf có nhiều thuận lợi, vì đây là vùng cát trắng hoang vu, rộng khoảng 3.000 ha hầu như không có đất sản xuất nông nghiệp. Người dân sinh sống ở vùng này hầu hết đang khó khăn về kinh tế. Vì vậy, nếu nhà đầu tư xây dựng chuỗi sân golf ở đây thì người dân sẽ có việc làm, thu nhập, hạn chế được tình trạng cát bay, cát nhảy.
Ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, các sân golf này chưa có trong quy hoạch phát triển sân golf quốc gia, đồng thời khẳng định Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết tâm thực hiện các trình tự thủ tục trình Chính phủ phê duyệt: “Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Thứ hai, phải có quy hoạch của Chính phủ mới làm được. Về mặt thủ tục, không ai làm trái quy định. Bổ sung quy hoạch sân golf thì Sở Kế hoạch sẽ làm văn bản trình Thủ tướng. Sau khi có quy hoạch, sẽ tiếp tục thực hiện các bước khác. Sau đó, quyết định chủ trương đầu tư như thế nào sẽ theo Luật đầu tư”.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình lên tiếng ủng hộ dự án tổ hợp 10 sân golf mà tỉnh Quảng Bình đang kêu gọi đầu tư. Theo ông Phương, Quảng Bình xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú. Trong đó, sân golf vừa là hạ tầng, vừa là sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có một quỹ đất rộng lớn ven biển, toàn cát trắng. Theo ông Nguyễn Đình Phương, xây dựng tổ hợp sân golf không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cải tạo được vùng cát trắng Quảng Bình nhưng trước hết phải thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi mình cân đối được đánh giá tác động và nguồn lợi thu được ở các sân Golf thì chúng ta mới triển khai để đảm bảo vừa hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế nhưng cũng đảm bảo những vấn đề xã hội quan tâm lo lắng trong việc xây dựng sân Golf.
Trong khi đó nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc xây dựng một chuỗi 10 sân golf dọc bờ biển vốn đang còn sạch, đẹp sẽ ảnh hướng đến chất lượng nước ở các bãi tắm du lịch hoang sơ. Việc bảo dưỡng thảm cỏ của sân golf phải sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường cũng là mối quan tâm của người dân vùng dự án.
Ở góc độ kinh tế, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc xây dựng sân golf để thu hút khách du lịch cũng là bình thường nhưng xây dựng đến 10 sân golf thì cần thận trọng, vì khó có sự bùng nổ khách du lịch chất lượng cao.
Vì vậy, theo ông Trần Đình Thiên, nên có lộ trình cụ thể, thận trọng đối với môi trường, đặc biệt phải gắn khả năng thu hút khách; tác động xã hội, đất đai ở đâu... Sân golf chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng ven biển, ảnh hưởng đến đời sống của dân.
Tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung đang đau đầu với các dự án du lịch ven biển xí phần đất rồi bỏ hoang. Hơn lúc nào hết, tỉnh Quảng Bình cũng nên cân nhắc về dự án 10 sân golf với hơn 1.000 ha đất ven biển./.