Tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa) là một trong những điểm nóng dịp đầu năm bởi nhu cầu cúng sao giải hạn, thu hút hàng nghìn người mỗi buổi lễ. Các “sao xấu” như Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô được thiết kế riêng cho từng buổi lễ giải hạn. Những ngày này biển người tràn hết ra lòng đường, thậm chí cầu vượt Ngã Tư Sở, để nhón một chỗ đặt ghế, miếng ni lông ngồi hoặc đứng ngóng và bái vọng vào tổ đình chùa.
Theo khảo sát của chúng tôi, hình thức dâng sao giải hạn tại các chùa có mức giá cụ thể. Chẳng hạn ai muốn giải hạn trả phí 100-150 ngàn đồng, cầu bình an thêm 100 ngàn đồng. Một ngôi chùa lớn giữa Thủ đô lại chọn hình thức tính tiền theo sớ, khoảng 500 ngàn cho cả gia đình. Thậm chí một số nơi có hiện tượng ra giá cúng sao xấu tùy theo mệnh, theo tử vi và có hiện tượng tăng giá so với các năm trước.
“Dâng sao giải hạn bản chất là tín ngưỡng phổ biến trong dân gian, xuất phát từ niềm tin người ta có thể thông qua thầy cúng để làm sớ, bỏ tiền làm vật phẩm cúng lễ xin với thánh thần giải trừ các tai ách, cầu bình an, sức khỏe”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói. Anh nói thêm, việc thu tiền ở mỗi lá sớ dâng sao giải hạn từng cá nhân, gia đình cũng ngày đội giá lên theo thị trường thương mại tâm linh.
“Trước đây hoạt động này chủ yếu của thầy cúng, phù thủy, pháp sư. Ngày nay cúng sao giải hạn tràn sang tất cả các cửa thiền. Trong đạo Phật việc cúng sao giải hạn hoàn toàn không có trong giáo lý, thậm chí phản giáo lý. Vì đạo Phật là một hệ tư tưởng, đạo đức giáo dục con người tu tâm hướng thiện. Với học thuyết nhân quả và luân hồi, con người muốn có cuộc sống tốt đẹp phải tu thân, sống theo điều răn của Phật, không thể dùng tiền bạc vật phẩm thông qua các thầy pháp để có thể làm thay đổi số phận của mình”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo lý giải, Phật giáo vốn không tạo dựng hệ thống thần linh theo kiểu nhất thần hay đa thần, thế nhưng để duy trì sự tồn tại, Phật giáo có sự nhượng bộ nhất định với tập tục của cư dân bản địa. Sau khi du nhập Việt Nam, từ thế kỷ 16 chùa Việt phải đảm nhiệm thêm hỗn hợp “các thực hành và hành vi tôn giáo khác nhau được tích tụ từ thuật chiêm tinh, bói quẻ cho đến thuật phù thủy, thờ thần linh”, trong đó dâng sao giải hạn là một trong số hành vi đó.
Các nhà tu hành ngày nay cúng sao giải hạn cũng là công việc để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân. Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng cần phê phán sự lạm dụng đến mức đi quá xa như một số chùa đang làm. “Phật giáo cho rằng sự thành bại, hạnh phúc hay bất hạnh… đều do nơi con người, từ ý thức đến hành vi tạo ra”, TS Tuấn nói. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói “con người thời nào cũng vậy, khi niềm tin trần thế càng lung lay yếu ớt, người ta thường càng bám đuổi đến những chỗ dựa tâm linh thần thánh vô hình”.
Không nhất thiết phải đến chùa giải hạn
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền gọi việc nhà chùa cúng sao giải hạn là hành vi đi ngược lại giáo lý nhà Phật. GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng dâng sao giải hạn là việc ai muốn đi thì đi nhưng phải với tấm lòng thành kính là chủ yếu. “Việc cứ nâng giá dần lên rất nguy hiểm. Tín ngưỡng và văn hóa không thể đem ra kinh doanh được, dần dần nó sẽ biến tướng thành tệ nạn”, GS Ngô Đức Thịnh nói.
TS Nguyễn Văn Vịnh chuyên nghiên cứu phong thủy cho rằng tập tục cầu việc tốt, tránh việc xấu như dâng sao giải hạn là chuyện bình thường. Tuy nhiên để phong tục không trở thành hủ tục, mỗi người nên cẩn trọng tìm hiểu. Dâng sao giải hạn không nhất thiết đền chùa, thay vì đồ lễ đắt tiền, người dân chỉ cần dâng hương hoa tại nhà tỏ lòng thành./.