Theo nhận định của AP, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang kỳ vọng thế hệ lãnh đạo Việt Nam sau Đại hội Đảng sẽ giúp Việt Nam tăng tốc, hiện đại hóa nền kinh tế cũng như mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Kỳ vọng lớn
Việt Nam từng được coi là ngôi sao sáng trong nhóm nước đang phát triển tại khu vực châu Á. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư ngoại còn coi Việt Nam là đối thủ của Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới. Tuy vậy, cũng có người nhận xét hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn đang có vấn đề.
Những rủi ro như lạm phát cao của giai đoạn trước và tình trạng nợ xấu cao tại các ngân hàng quốc doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.
Nhưng bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ với giá nhân công thấp cũng hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư dài hạn, trong đó có những tập đoàn điện tử lớn như Intel, Samsung…
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết cũng phát đi tín hiệu tích cực với nhà đầu tư.
AP đánh giá, Đại hội Đảng XII đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới, được kỳ vọng sẽ tăng tốc hiện đại hóa nền kinh tế. Hãng tin này dẫn lời ông chủ một xưởng gốm sứ ở Bát Tràng (Hà Nội), bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ chẳng làm được gì nếu không có sự ổn định. Khi nền kinh tế được cải tổ, đất nước sẽ phát triển, và việc làm ăn của chúng tôi cũng có lợi theo,” vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.
Một xưởng sản xuất đồ gốm tại Bát Tràng (Hà Nội) |
Theo AP, khi nền kinh tế còn nằm trong tay nhiều công ty quốc doanh cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có nhiều tiến bộ khi tăng cường mở rộng thị trường và gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cơ hội mới
Việt Nam đã gia nhập Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 12 quốc gia, với các điều khoản yêu cầu chính phủ giảm can thiệp vào nền kinh tế. Việt Nam cũng ký nhiều hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và các nước láng giềng tại Đông Nam Á.
Các công ty nước ngoài đang dần nhận ra họ sẽ hưởng lợi khi đặt nhà máy tại một quốc gia châu Á có thuế xuất khẩu thấp sang các thị trường lớn. Đó là một phần lý do khiến dòng vốn ngoại đang “chảy” vào Việt Nam trong thời gian gần đây.
Xuất khẩu dệt may được cho là một trong những lĩnh vực sẽ hưởng lợi lớn nhất sau khi Việt Nam gia nhập TPP. Giới quan sát cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp nước ngoài.
AP dẫn đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, các hiệp định thương mại là cơ hội rất lớn với sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng có thể trở nên lãng phí nếu các công ty trong nước không tăng được hiệu suất và phần lớn lợi ích sẽ về tay người nước ngoài.
Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm tới sẽ vào khoảng 6,5-7%. Mức tăng trưởng của năm ngoái đạt 6,7%.
Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đang kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh trong đó doanh nghiệp tư nhân không bị quốc doanh lấn át.
Hãng tin AP cũng trích dẫn đánh giá của Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - Adam Sitkoff cho rằng, việc cần kíp hơn bây giờ là phải giải quyết các vấn đề như nợ xấu ngân hàng, và đảm bảo chính phủ đóng vai trò trọng tài, hơn là người tham gia trong nền kinh tế.
Ông Adam Sitkoff tin tưởng vào quá trình cải tổ nền kinh tế Việt Nam để giúp 93 triệu dân có lựa chọn hàng hóa tốt hơn, chất lượng cao hơn, giá thấp hơn và nhiều cơ hội hơn cho thế hệ tương lai./.