Theo huyền thoại, vùng đất Pù Luông được các người khổng lồ Ải Lậc Cậc, Ải Pu Té tạo thành. Sử sách trung đại thì coi đây là miền đất linh thiêng tạo nền móng cho nhà Lê Trung hưng, vương triều tồn tại suốt 256 năm, dài nhất lịch sử phong kiến nước ta.
Mạch nguồn sự sống của Pù Luông, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, luôn gắn bó mật thiết với dòng suối Nủa dài chừng 25 km, từ Mường Lau chảy hòa vào sông Mã. Ngàn năm nay, suối Nủa để lại những trầm tích và huyền sử xung quanh mình, đến nay vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn thú vị.
Cá nổi trên suối như lá rừng
Ông Hà Văn Khoan (60 tuổi) có căn nhà sàn nhỏ nằm cheo leo ở ngay bờ suối Nủa. Mùa mưa nhiều năm trước, ngôi nhà cũ trong bản bị sạt lở đổ sập nên ông Tê buộc phải ra chỗ hoang vu rậm rạp này dựng tạm căn lều. Lâu dần mà yêu đất mến cảnh, ông cứ gắn bó mãi với chốn này.
Đối với người dân bản Nủa, khu vực gần nhà ông Khoan là chốn linh thiêng, vừa huyền bí vừa đáng sợ, không phải ai cũng dám đến gần. Đó là núi Nủa, khởi nguồn của suối Nủa.
Nước từ trong lòng núi chảy ra, qua một chiếc hang lớn gồm hai cửa. Cửa hang nước dưới chân núi, bốn mùa nước chảy. Cửa hang cạn thì cách đó mấy trăm bước chân, nằm trên lưng chừng núi.
Miệng hang bằng đá, rộng đủ từng người chui lọt, tăm tối, cây rừng bám quanh nên càng thêm phần hoang vu bí mật. Chui sâu xuống dưới là một động núi lớn, vòm cao nhiều thạch nhũ, rộng rãi, dài hàng trăm mét.
Dòng suối bắt nguồn từ hang núi này, nhưng nguồn nước từ đâu thì chưa ai có thể khẳng định. Người Thái tin rằng nó thông với Thủy cung của Long vương Biển Đông.
Ông Hà Văn Khoan tại cửa hang Nủa. (Ảnh LQ)
Khi tôi rủ mấy cậu trai bản gần đó cùng xuống hang, tất cả cùng nhìn nhau nghi ngại và đồng loạt từ chối. Mặc dù sinh ra và lớn lên cách cửa hang Nủa không xa, hàng ngày uống nước và tưới tắm bằng nước suối Nủa, nhưng họ chưa từng đặt chân vào hang Nủa.
Họ ám ảnh về những lời nguyền chết chóc của hang Nủa linh thiêng, bất khả xâm phạm mà người dân địa phương vẫn truyền tai nhau. Rằng, xâm phạm đến hang Nủa sẽ bị thần linh quở phạt, không chết chóc thì cũng điên dại, tật nguyền.
Theo thời gian, niềm tin ấy luôn được củng cố bởi nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra từ dòng suối này. Chẳng hạn, mỗi năm, khoảng ba lần, từ trong hang núi Nủa từng đàn cá phơi bụng nổi trắng trên mặt nước, dập dờn trôi như lá rừng suốt mấy trăm mét, bỗng rùng mình sống lại, quẫy đuôi bơi đi.
Đầu nguồn suối Nủa, nơi đàn cá thường nổi lên. (Ảnh LQ)
Ông Hà Văn Khoan từng nhiều lần chứng kiến hiện tượng ấy. Gần đây, lượng cá tuôn ra ít dần, không còn như xưa kia, nhưng năm nào cũng có hiện tượng đó. “Ông từng vớt cá nổi ấy về ăn chưa? Có gì khác biệt không, như bị trúng độc chẳng hạn?” – Tôi hỏi.
"Không chỉ tôi, mà khá nhiều người dân khi thấy cá nổi nhiều đều đem xô chậu chài lưới ra vớt. Cá nằm bất động, nổi trên mặt nước nên vớt rất dễ dàng. Cá nổi nhiều, nên chúng tôi chỉ chọn những con cá to.
Ăn rất tươi và ngon, như cá suối thông thường. Ăn cá thì không ai phải sợ hãi, vì bà con tin rằng đây là những con cá được Thủy thần suối Nủa ban tặng cho cư dân bên bờ suối" – ông Khoan nói.
Thủy thần ban tặng
Chuyện kể rằng, xa xưa, nơi đây đã có một dòng suối lớn, mùa đông thì ấm, mùa hạ thì mát, chảy ra từ gốc cây nủa, nên bà con gọi là suối Nủa. Nhờ nguồn nước ấy, người ta trở nên khỏe mạnh, giỏi giang, con gái lớn lên da trắng môi đỏ tóc dài. Người con gái xinh đẹp nhất chính là nàng Ả Nủa.
Một hôm, có năm người thanh niên ăn mặc sang trọng đến nhà Ả Nủa chơi. Họ tặng cha mẹ nàng rất nhiều vàng bạc châu báu để xin hỏi cưới A Nủa về cho chủ nhân của mình. Gia đình mừng lắm, bèn làm cơm rượu đãi khách.
Thượng gia hạ kiều trên dòng suối Nủa. (Ảnh LQ)
Mấy vị khách ăn ngon miệng nhưng từ chối uống rượu. Sau, thấy gia chủ hiếu khách, cũng vui vẻ cầm chén. Chỉ vài ngụm nhỏ, họ đã say ngất ngư, lăn ra nhà sàn ngủ. Trong phút chốc, cả 5 chàng trai biến thành 5 con thuồng luồng to như cột nhà, đầu có mào đỏ chói, cùng nằm vắt vẻo trên sàn.
Dân làng cùng nhốn nháo kinh sợ. Người già biết là Thần Nước nên khuyên không nên quấy nhiễu, các thần ngủ dậy sẽ bỏ đi.
Nhưng đám thanh niên hiếu kỳ thì quyết định lấy rơm củi chất dưới gầm sàn, đổ ớt bột vào mà đốt đánh thức các thần. Khói cay bốc lên sàn nhà, cả năm con thuồng luồng giật mình tỉnh giấc, cùng phóng ào ào xuống nước, mất dạng.
Mưa gió bỗng nổi lên, cây cối nghiêng ngả, sấm chớp đùng đùng, nước suối dâng cao. Sau cơn mưa, người ta thấy Ả Nủa đã chết, bèn đem chôn nàng ở bìa rừng. Bỗng từ ngôi mộ nàng vọt lên dòng nước lớn, nối vào suối Nủa.
Suối Nủa là mạch nguồn sự sống của thung lũng Pù Luông trù phú. (Ảnh LQ)
Năm chàng thanh niên hôm nọ lại xuất hiện, nói với dân bản rằng họ chính là người những tướng thuồng luồng đi rước vợ cho Thủy thần. Nhưng vì rượu say làm lộ chân tướng khiến bà con kinh sợ, Thần Nước bất đắc dĩ phải trổ phép thần thông mang nàng Ả Nủa đi. Hiện nay nàng Ả Nủa đã là vợ của Thần Nước.
Để trả ơn cha mẹ nàng Ả Nủa, họ biếu tặng rất nhiều của cải. Đối với người dân trong vùng, Thần Nước ban cho nguồn thức ăn là những đàn cá chảy ra từ mộ Ả Nủa.
Cá sẽ nổi lềnh phềnh trên mặt nước để bà con dễ dàng bắt lấy. Nhưng đàn cá chỉ nổi ở đoạn đầu suối, trôi qua hết bản Nủa, nếu bà con không vớt thì chúng sẽ sống lại bơi đi. Mỗi năm có 3 lần cá nổi lên như thế.
Góc nhìn địa văn hóa
Câu chuyện Ả Nủa - Thần Nước là cách người Thái địa phương lý giải về hiện tượng cá nổi rất thú vị ở dòng suối Nủa, được ghi trong cuốn “Dư địa chí huyện Bá Thước”, theo lời kể của ông Lục Công Dung.
Sau khi cùng ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái – Mường, nguyên Phó Chủ tịch huyện Bá Thước và một số người cao tuổi ở Lũng Cao gạt bỏ những yếu tố hoang đường, chúng tôi nhìn nhận hiện tượng này theo hướng khác.
Pù Luông nằm giữa những mường lớn và cổ xưa bậc nhất của người Thái Thanh Hóa. (Ảnh LQ)
Mùa mưa lũ, cá tôm chui rúc vào trong hang đá của núi Nủa để trú ẩn. Khi nguồn nước đột ngột tuôn ra với áp suất lớn, sẽ cuốn phăng đàn cá ra ngoài. Sức nước mạnh, dòng chảy hiểm hóc, cá bị va đập vào các vách đá ngầm mà tạm thời choáng ngất đi.
Sau khoảng thời gian nổi trên mặt nước đủ trôi mấy trăm mét thì đàn cá dần hồi tỉnh trở lại. Mỗi năm vào mùa lũ, nước suối Nủa thường có đôi ba lần tuôn ra dữ dội như vậy, có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tương tự, để giải mã những lời đồn đại chết chóc ở hang Nủa, cũng cần tìm lại các tài liệu địa văn hóa, lịch sử ở nơi đây.
Theo sử Thái còn ghi lại tại gia phả các dòng tộc, vào khoảng thế kỷ XI- XII, một nhóm người từ mường Hước Khà (tỉnh Lào Cai), đi thuyền đồng thuyền da xuôi sông Hồng rồi ngược sông Đà tìm miền đất mới.
Nhánh chính đi theo sông Đà, tạo nên các bản làng ở Mường Thượng (Sơn La). Nhánh thứ 2 dừng lại ở Mường Hạ (Mai Châu), nơi chiếc giáo mũi đồng làm tuôn ra dòng suối Tòng Đậu. Nhánh thứ 3 tiếp tục từ Mai Châu theo dòng suối đi ra sông Mã. Xuôi dòng sông Mã, qua mường Ca Da thấy có người Thái bản địa đã ở trước, họ xuôi tiếp về Bá Thước.
Đến cửa suối lớn (suối Nủa), họ dừng thuyền theo dòng ngược lên. Thấy đất đai phì nhiêu, cảnh vật tốt tươi, họ bèn ở lại lập nên hai mường lớn là Mường Khoòng (giàu có, nhiều của cải) và Mường Lau (no đủ, nhiều lúa gạo). Đây là những mường lớn và cổ xưa bậc nhất của người Thái Thanh Hóa.
Bản làng Pù Luông bình yên
Trải qua các thời kỳ nắm quyền bởi những dòng họ Lang, Ngân, Khăm, Hà, Kha Khun (người Thái), Đinh, Lục (người Mường)…, lúc đông đúc phồn thịnh, khi tan tác phiêu tán, người dân Pù Luông vẫn lập bản sống tập trung dọc dòng suối Nủa. Hiện có 5 bản Nủa, Bố, Hin, Trình, Cao nằm ở đầu nguồn suối.
Vào tháng Tám âm lịch, người ta vẫn giết trâu trắng, lợn trắng, gà trắng để cúng Thần Nước cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên ổn. Suối Nủa là mạch nguồn sự sống của cả thung lũng Pù Luông rộng lớn, từ xa xưa đã được chú trọng bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt là dễ hiểu.
Hơn nữa, đây cũng là linh địa của dòng họ Hà Công hiển hách bậc nhất ở vùng đất này, gắn với sự kiện tìm ấn vàng (ngọc tỉ) liên quan trọng đại đến sự tồn vong của vương triều Hậu Lê, mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau của loạt bài viết.
Lê Quân